1. Văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên mới
Văn hóa, với vai trò là kho tàng giá trị tinh hoa của dân tộc, không chỉ gìn giữ bản sắc mà còn là nguồn lực chiến lược đưa Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế; là nhịp cầu kết nối con người, sức mạnh nội tại giúp cộng đồng đoàn kết và hun đúc tinh thần dân tộc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Văn hóa không chỉ đơn thuần là các hình thức nghệ thuật, lễ hội, hay phong tục tập quán; nó còn là tổng hòa của những giá trị tinh thần, đạo đức, cách ứng xử, và tư duy của người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Chính những nét văn hóa độc đáo này đã tạo nên hình ảnh một Việt Nam kiên cường, đậm đà bản sắc, đồng thời là nền tảng tạo dựng niềm tự hào dân tộc. Mặt khác, khi toàn cầu hóa không chỉ còn giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng đến trao đổi văn hóa, thì sức mạnh mềm từ văn hóa trở thành cầu nối để truyền tải thông điệp về một Việt Nam thân thiện, hòa bình và sẵn lòng hợp tác. Qua văn hóa, bạn bè quốc tế có cơ hội tiếp xúc và hiểu rõ hơn về con người, lịch sử và truyền thống của Việt Nam. Điều này tạo nên sự đồng cảm, dễ dàng xóa tan những khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý và giúp tạo thiện cảm đối với Việt Nam.
Văn hóa còn đóng vai trò kết nối cộng đồng, vun đắp lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa đang tạo ra sự đa dạng về tư tưởng và giá trị. Đối với người Việt xa xứ, văn hóa Việt Nam chính là cầu nối tâm linh và là biểu tượng của quê hương. Các lễ hội truyền thống, ngày Tết cổ truyền hay những món ăn đậm chất dân tộc không chỉ gắn bó người Việt trong nước mà còn là niềm tự hào và là cách thức để những người Việt xa quê giữ lại hình ảnh quê hương trong lòng. Những giá trị văn hóa này giúp củng cố tinh thần dân tộc, giúp mọi người cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương.
Văn hóa cũng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những sản phẩm văn hóa có thể mang lại giá trị kinh tế lớn thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo như du lịch văn hóa, điện ảnh, xuất bản, âm nhạc, thiết kế, quảng cáo, truyền thông, công nghệ giải trí... Điều này tạo ra mối liên kết giữa văn hóa và kinh tế, giúp nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển xã hội.
2. Những thách thức cho việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Một là, nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa trong hội nhập quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong giao lưu văn hóa, học hỏi và sáng tạo, song cũng kèm theo rủi ro về xói mòn bản sắc văn hóa truyền thống. Văn hóa đại chúng quốc tế, nhất là từ các quốc gia có nền công nghiệp giải trí phát triển, dễ dàng len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội thông qua truyền thông và mạng xã hội, ảnh hưởng đến thị hiếu và phong cách sống (đặc biệt là đối với giới trẻ), có thể làm phai nhạt những giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam nếu không có biện pháp bảo tồn và phát huy kịp thời.
Hai là, thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng cho các dự án văn hóa dài hạn. Phát triển văn hóa đòi hỏi sự đầu tư cả về tài chính và hạ tầng, từ hệ thống bảo tàng, thư viện, trung tâm nghệ thuật đến các cơ sở hạ tầng văn hóa số. Tuy nhiên, ngành văn hóa ở Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều hạn chế về nguồn lực. Nhiều dự án văn hóa, đặc biệt là các dự án bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiếu sự đầu tư dài hạn, dẫn đến sự xuống cấp và suy giảm của các giá trị văn hóa. Ngoài ra, các nguồn tài trợ văn hóa thường không ổn định và phụ thuộc nhiều vào ngân sách nhà nước hoặc tài trợ quốc tế, hạn chế khả năng triển khai và duy trì các chương trình văn hóa quy mô lớn.
Ba là, thách thức trong việc phát triển văn hóa số và ứng dụng công nghệ cao. Việc phát triển văn hóa số ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là thiếu hụt về nguồn nhân lực chuyên môn, công nghệ phù hợp và kinh phí đầu tư. Cơ sở dữ liệu văn hóa số, các nền tảng số hóa di sản văn hóa và các ứng dụng văn hóa trên mạng vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ, khiến việc quảng bá và bảo tồn văn hóa Việt Nam trên không gian số còn hạn chế.
3. Để văn hóa Việt Nam thực sự phát huy vai trò sức mạnh mềm trong kỷ nguyên mới
Thứ nhất, cần đẩy mạnh giáo dục văn hóa từ nhỏ. Đây là nền tảng quan trọng để tạo dựng nhận thức về giá trị và bản sắc văn hóa. Việc lồng ghép nội dung văn hóa vào chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khóa sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu văn hóa dân tộc. Mặt khác, đẩy mạnh truyền thông về văn hóa trên các kênh truyền thông xã hội phổ biến của giới trẻ cũng là phương pháp hữu hiệu để kết nối và tạo ra sức lan tỏa rộng lớn.
Thứ hai, cần quan tâm xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế về văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa là một công cụ đắc lực để Việt Nam có thể bảo tồn và phát huy văn hóa đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ từ các nền văn hóa khác.
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa, xem việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt. Việc đào tạo không chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như lịch sử, dân tộc học, nghệ thuật mà còn cần bổ sung các lĩnh vực mới như công nghệ văn hóa, truyền thông số và quản trị di sản. Các chương trình học bổng, trao đổi học thuật, hoặc các khóa học đào tạo ngắn hạn với sự hợp tác của các quốc gia phát triển cũng là giải pháp khả thi để nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực văn hóa.
Thứ tư, tăng cường xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số cho văn hóa. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy văn hóa là xu hướng tất yếu. Đầu tư vào các công nghệ như thực tế ảo, thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo sẽ giúp số hóa các di sản văn hóa, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận và trải nghiệm các giá trị văn hóa qua môi trường trực tuyến. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu văn hóa quốc gia, cung cấp nền tảng trực tuyến cho các bảo tàng, thư viện và các tổ chức văn hóa, từ đó dễ dàng chia sẻ tài liệu, hình ảnh, và video về văn hóa đến công chúng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình và nỗ lực hiện đại hóa, văn hóa đóng vai trò như một sức mạnh mềm, không chỉ kết nối nội lực dân tộc mà còn tạo ra một hình ảnh tích cực, thân thiện và giàu bản sắc với cộng đồng thế giới. Chính vì vậy, phát triển văn hóa song hành cùng phát triển kinh tế - xã hội sẽ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để đất nước khẳng định vị thế và bản sắc của mình trong kỷ nguyên mới. Hơn bao giờ hết, đầu tư vào văn hóa chính là đầu tư vào tương lai của dân tộc, giúp Việt Nam không chỉ phát triển kinh tế, xã hội mà còn giữ vững bản sắc và khẳng định sức mạnh mềm của mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Minh Huyền