Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về quyền con người 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin về quyền con người vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cách mạng Việt Nam. Những giá trị về quyền con người trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa to lớn chỉ đạo về tư tưởng, đường lối và hoạt động thực tiễn của Đảng và Nhà nước ta.

Quyền con người và việc hiện thực hóa quyền con người là một trong những nội dung cơ bản và đặc biệt quan trọng trong nội hàm của khái niệm “phát triển con người”. Nhưng, con người là mục tiêu, là trung tâm, là động lực, là chủ thể của mọi quá phát triển trong xã hội hiện đại. Con người lại là trung tâm, là nội dung chủ yếu nhất, căn bản nhất, quan trọng nhất, là nguồn lực căn bản, quyết định nhất của mọi nguồn lực trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. Vì vậy, quyền con người và việc hiện thực hóa quyền con người cần được hiểu và khảo sát, đánh giá theo cả hai nghĩa, nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

Quyền con người theo nghĩa hẹp, đó là các quyền khác biệt với các quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, được công nhận, được tôn trọng, bảo vệ, được đảm bảo theo hiến pháp và pháp luật, khác biệt với dân quyền và tài quyền.

Quyền con người là toàn bộ các đặc quyền của con người được xã hội công nhận do tính chất nhân bản của nó, được sinh ra từ bản chất con người chứ không phải do hiến pháp và pháp luật tạo ra. Đó là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, được dành cho con người, như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, là những quyền tối thiểu của mỗi con người mà các nhà nước phải bảo vệ, tôn trọng và đảm bảo thực hiện trong thực tế xã hội. Quyền con người là những đảm bảo pháp lý toàn cầu, bảo vệ các cả nhân và các nhóm, các cộng đồng người khác nhau. Thực hiện quyền con người  cũng là chổng lại bất cứ hành vi, hoặc bỏ mặc, lãng quên, thờ ơ, hoặc làm tổn hại đến nhân phẩm, đến sự được phép và sự tự do cơ bản của con người và các cộng đồng người đang tồn tại.

Về phương diện văn bản quyền con người hiện thời ở Việt Nam được ghi nhận cụ thể trong các văn bản quốc tế và Hiến pháp của nước ta. Những văn bản chủ yếu ghi nhận các quyền con người mà Việt Nam đã tham gia là: Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 (The Universal Declaration of Human Rights - UDHR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (International Covenant on Economic, Social and Culturaỉ Rights - ICESCR), Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ công hòa năm 1946, Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ công hòa năm 1959, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Chỉ thị số 41/2004/CT-TTg, ngày 02/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về về tăng cường công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có hàng loạt các văn bản luật pháp ghi nhận các quyền cơ bản của con người, như luật Lao động, luật Hình sự, luật Lao động,…, các văn kiện Đảng ở các kỳ Đại hội, các Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư về công tác nhân quyền, Thông báo Kết luận của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW, ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới,..., đã đúc kết, chỉ rõ các nội dung về quyền con người  và hiện thực hóa quyền con người ở Việt Nam trong tình hình mới.

Quyền con người theo nghĩa rộng là toàn bộ các quyền con người theo nghĩa hẹp và tất cả các quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, gồm cả các quyền về dân quyền và tài quyền, các quyền của nhóm, của các cộng đồng, của quốc gia – dân tộc lẫn các quyền cá nhân. Quyền con người theo nghĩa rộng là tất cả các quyền của mọi người dân, mọi nhóm người, cộng đồng và quốc gia, dân tộc, được xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo thực thi. Nghĩa là tất cả các quyền trong xã hội đều là Quyền con người, bởi vì, xét đến cùng, tất cả các quyền khác, cũng là thể hiện từng phần, từng nội dung cụ thể, cũng là những cấu phần của Quyền con người. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống tổng thể các quan niệm, quan điểm, luận điểm, ý kiến của Người về quyền con người và về việc hiện thực hóa quyền con người trong đời sống. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người thể hiện không chỉ qua các bài phát biểu, các văn bản do Người viết, mà còn qua hoạt động thực tiễn hiện thực hóa các quyền con người trong những điều kiện cụ thể. Hệ thống các tư tưởng về quyền con người của Hồ Chí Minh bao hàm không chỉ các quyền cá nhân, mà trước hết và đặc biệt là quyền của dân tộc: độc lập, tự do, bình đẳng, hạnh phúc. Đây là tư tưởng rất mới, hiện đại, là bước phát triển về quyền con người trong lịch sử nhân loại, là đóng góp về phương diện khoa học, phương diện cách mạng, sáng tạo, rất đặc thù Hồ Chí Minh - Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, trước hết, xuất phát từ truyền thống văn hóa nhân bản của dân tộc, mà cốt lõi của văn hóa ấy là tinh thần yêu nước nồng nàn, là truyền thống đại đoàn kết, là tư tưởng “dân vi quý, xã tắc thứ chi”, dân là gốc, “đẩy thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Mặt khác, tư tưởng ấy dựa trên nền tảng lý luận Mác - Lê nin, mà trước hết là các tư tưởng về con người, về sứ mạng giải phóng con người của giai cấp vô sản và Đảng Cộng sản. “Trong luận điểm về cách mạng của Hồ Chí Minh trung tâm là luận điểm về con người. Đối với Hồ Chí Minh, mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con người”1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người  cũng bắt nguồn từ cả tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây từ cổ đại đến cận đại, những tư tưởng tiến bộ của các nhà tư tưởng, các nhà hoạt động chính trị - xã hội, trong đó có các tư tưởng tiến bộ của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của nước Pháp.

Tư tưởng về quyền con người của Hồ Chí Minh còn là sự tiếp thu có chọn lọc các tư tưởng nhân quyền tiến bộ của thế giới thời kỳ hơn 50 năm đầu thế kỷ XX, của thực tiễn đấu tranh thực hiện quyền con người của các lực lượng tiến bộ, của các Đảng Cộng sản trên thế giới và của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ. Tư tưởng đó còn là sự tổng kết lịch sử đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam mấy ngàn năm lịch sử và cũng xuất phát từ thực tiễn đấu tranh giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc từ nửa cuối thế kỷ XIX qua nửa đầu thế kỷ XX. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là hệ thống lý luận có nội dung rất phong phú, bao quát, toàn diện, rất sâu rộng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng ta về quyền con người, ngay từ đầu là một khối thống nhất, không thể tách rời, chia cắt hay tách biệt. Các tư tưởng, quan điểm, chủ trương, đường lối đó rất nhất quán từ khi thành lập Đảng đến nay. Xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn và thực tế dân tộc bị áp bức, ngay từ đầu tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người đã có những nội dung mới, khác hoàn toàn với tư tưởng của các học giả tiến bộ phương Tây. Tiếp đó, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lê nin tư tưởng về quyền con người của Hồ Chí Minh lại được củng cố và phát triển sáng tạo thêm trên cơ sở thế giới quan duy vật biện chứng khoa học, cách mạng làm cho tư tưởng đó ở tầm cao hơn, rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn và đầy đủ hơn. Ngay từ năm 1919 trong “Yêu sách của nhân dân An Nam” Hồ Chí Minh đã xuất phát từ lập trường yêu nước chân chính trong vấn đề quyền con người: quyền con người, quyền dân sinh, dân chủ chỉ có thể được đảm bảo khi mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến tay sai của thực dân Pháp được giải quyết. Tuyên Ngôn Độc lập năm 1945 Hồ Chí Minh thể hiện rõ hơn nữa sự tổng kết và khái quát, mở rộng và nâng cao quyền cá nhân của mỗi người, mỗi công dân, trở thành và gắn với quyền dân tộc: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do"2. Quyền con người và quyền dân tộc luôn luôn gắn liền nhau và là một nội dung, một bộ phận cấu thành, một khối thống nhất không thể tách rời nhau. Tư tưởng đó là nét đặc trưng, là nền tảng, là cốt lõi trong tư tưởng về Quyền con người của Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó cùng với các tư tưởng khác về quyền con người của Hồ Chí Minh được Đảng ta nhận thức sâu sắc, được quán triệt nhất quán và thống nhất trong suốt quá trình cách mạng của Đảng.

Nhận thức về lãnh đạo của Đảng trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người giai đoạn từ thập niên 1970, đặc biệt là từ khi bắt đầu đổi mới (năm 1986) đến nay, rất có ý nghĩa và giá trị cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Một mặt, bối cảnh đất nước đã thay đổi rất căn bản cả trên phương diện quốc tế lẫn trong nước. Mặt khác, Hồ Chí Minh đã qua đời, không trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện quyền con người. Nhưng di sản tư tưởng quý báu của Người trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, ngọn đèn soi đường cho Đảng và dân tộc trong thực hiện quyền con người. Đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hiện “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”, tất yếu phải thực hiện quyền con người với nhiều nội dung mới và thực tiễn mới. Điều đó lại tất yếu đòi hỏi những phương thức, giải pháp hiện thực hóa quyền con người  mới.

 Để phát huy và thực hiện tốt quyền con người, cần quán triệt, nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về vị trí, vai trò của quyền con người trong từng chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội. Từ đó, tạo nên sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, hướng đến mục tiêu phát triển vì con người; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người. Bảo đảm nguyên tắc quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ; đề cao vai trò chủ thể hưởng thụ quyền là nhân dân; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam. Tận dụng thế mạnh của các kênh ngoại giao, đối thoại, hợp tác làm cho cộng đồng quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thành tựu đã đạt được trong bảo đảm quyền con người./. Mai Diệu Linh

-------------------------------------

1.  Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự thật, H.1990, tr.28.

2. Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn. Nxb. Khoa học xã hội, H., 1990, tr.555.

 

 

20 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 805
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 805
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 90891591