Xây dựng phong cách diễn đạt trong nói và viết của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng phong cách diễn đạt, coi đó là công cụ đắc lực không thể thiếu để tuyên truyền, giác ngộ ý thức cách mạng, củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Phong cách diễn đạt trong nói và viết của Hồ Chí Minh luôn để lại những ấn tượng cho tất cả những ai từng được gặp cũng như đã đọc tác phẩm của Người. Giao tiếp với mỗi đối tượng khác nhau, Người đã có một phong cách ứng xử ở tầm nghệ thuật gần như hoàn thiện, làm cho mọi người có thể cảm nhận đầy đủ cái đẹp của cuộc sống và sự cao thượng của nhân cách con người, từ đó, tạo thành sức cuốn hút mạnh mẽ đối với người nghe, người đọc, dù đối tượng đó là nông dân, công nhân, những người lao động bình thường ít học hay mù chữ, đến những trí thức, bác học, văn nghệ sỹ, chính khách, những người đứng đầu các nhà nước, các đảng phái, các tôn giáo…

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói và viết không đơn thuần là một hành động thông tin mà còn là quá trình tác động lên người nghe, người đọc, nhằm thuyết phục, cảm hóa, nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm và hành vi, hướng mọi người vào các hoạt động thực tiễn cách mạng phù hợp xu hướng tiến bộ của xã hội, của thời đại. Trong tính đa dạng và phong phú của những bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, có thể thấy những nét chung, cơ bản nhất, đó là:

Thứ nhất, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Chúng ta đều biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ thiên tài mà còn là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã viết hàng nghìn bài báo, bằng nhiều thứ tiếng Việt, Pháp, Nga, Trung…, với nhiều bút danh khác nhau. Người đã có hơn 30 năm lao động, hoạt động, học tập ở nước ngoài nên Người rất am hiểu văn hóa và phong cách diễn đạt của ngôn ngữ phương Tây nhưng khi nói và viết trước đồng bào trong nước thì cách diễn đạt của Người lại rất Việt Nam. Đặc trưng nổi bật trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tính phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. Cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Người luôn căn dặn chúng ta, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nói/viết để làm gì? và “Nói/viết cái gì?”. Hồ Chí Minh dạy rằng: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng. Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.

Thứ hai, trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm tính chân thực, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thực trong mỗi bài nói, bài viết của mình đối với từng đối tượng. Khi nói, viết về một vấn đề gì cho một đối tượng cụ thể, Hồ Chí Minh luôn phản ảnh đúng sự thật, bảo đảm tính chính xác, tính chân thực của các sự kiện, vấn đề mà Người nêu ra. Người phê phán tính thiếu chính xác, thiếu chân thực, thói giả dối khi viết, khi nói với quần chúng nhân dân của một số cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và nhà nước lúc bấy giờ. Người yêu cầu: “Báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Không nên nói ẩu”,  “Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. 

Những thông tin trong bài nói, bài viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”, đặc biệt Người ưu tiên lựa chọn và sử dụng những từ thuần Việt nhằm không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Trong nhiều bài nói và bài viết trước đồng bào, đồng chí, Người thường trình bày thẳng vào vấn đề bằng phương pháp phát vấn (tức là đặt câu hỏi) như: "Vì sao chúng ta vào Đảng? Phải chăng để thăng quan, phát tài? Sau đó, Người trả lời và giải thích ngắn gọn rằng: Không phải!... Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm trọn nhiệm vụ của người đảng viên”. Đây là nhiệm vụ rất to lớn và nặng nề. Vì vậy, Người còn căn dặn những ai nếu sợ rằng mình không phục vụ được nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hoặc khoan hãy vào Đảng. Hay như bài “Dân vận” Người cũng đặt vấn đề: Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào? Cuối bài báo, Người kết luận: Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công…

Bác Hồ thường viết ngắn, có khi rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được cả ba giai đoạn đầy biến động của đất nước. Nhiều câu đúc kết lại như châm ngôn: “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, v.v.. Người thường nhắc nhở và khuyên mọi người phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng. Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực, viết và nói cũng vậy. Chớ ham dùng chữ, bệnh sính chữ nước ngoài, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.

Thứ ba, cách nói, cách viết sinh động, độc đáo, đa dạng về bút pháp, giàu hình ảnh, đa giọng điệu, ngôn từ ngắn gọn, súc tích, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể. Trong thơ ca cũng như trong truyện và ký, trong những bài chính luận, thường xuyên ta đón nhận ở Bác tiếng nói xúc cảm của một trí tuệ tuyệt vời, chính vì lẽ đó mà chất thơ và những biện pháp thường dùng trong thơ văn của Người (như trùng điệp, hài thanh...) không chỉ bắt gặp trong Nhật ký trong tù mà còn thấy trong những lời kêu gọi… Còn khi nói với các tầng lớp nhân dân, hoặc viết những lá thư cho nhiều cá nhân thuộc đủ các thành phần, mọi lứa tuổi, Người lại dùng những lời bình dị, chứa đựng “muôn vàn tình thân yêu”, một tấm lòng nhân hậu bao la, thông qua ngôn từ mang tính gợi cảm cao như đồng bào, con rồng cháu tiên, dòng dõi tổ tiên ta, anh em ruột thịt, sum họp một nhà... để hướng quần chúng về cội nguồn nhằm tăng cường mối đoàn kết dân tộc...

Khi nói, khi viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lốì nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...

Thứ tư, Phong cách diễn đạt luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, luận điểm, luận cứ thuyết phục, giàu tính luận chiến dù đó là các bức thư, lời kêu gọi hay bài báo… Trong cách nói và viết, Người kết hợp hài hòa cái dân gian và cái bác học, cái cổ điển và cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây.

Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày và đối tượng hướng tới. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; thiết tha trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục... Người quan niệm: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Khi đế quốc Mỹ mở rộng phạm vi ném bom ra miền Bắc và Hà Nội nhằm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, đưa biên giới nước Mỹ đến vĩ tuyến 17 của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ quyết tâm của cả dân tộc ta: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa… Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Sự thuyết phục từ những trang viết, câu nói của Người thể hiện ở chiều sâu bình luận, phân tích, tập trung vào từng sự việc, hiện tượng với chứng cứ, luận cứ sắc sảo trên lập trường, quan điểm nhân đạo chủ nghĩa cao cả. Theo Jean Roux, biên tập viên báo Franc Tireur (Pháp), Hồ Chí Minh đã kết hợp tới mức nhuần nhuyễn phi thường chủ nghĩa anh hùng với đầu óc sáng suốt, lòng yêu nước tuyệt vời và tinh thần cách mạng trong sáng, thái độ cứng rắn trước cuộc sống với lòng nhân đạo đối với con người.

Những lời khuyên và chỉ bảo của Bác cũng như phong cách nói và viết đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe. Đây chính là những bài học quý báu mà Người đã để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên chúng ta, nhất là những người làm công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo của Đảng. Bởi lẽ, phong cách diễn đạt nói và viết là vấn đề thường xuyên gắn liền với hoạt động hằng ngày của mỗi người chúng ta, là hai kỹ năng quan trọng của con người. Muốn làm chủ quá trình tư duy và nâng cao hiệu quả giao tiếp, mỗi người chúng ta đều phải trau dồi khả năng nói và viết. Hơn nữa, đối với cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, kỹ năng nói và viết càng cần thiết hơn. Người lãnh đạo có ý tưởng tốt mà không làm cho quần chúng nhân dân hiểu được thì sẽ gặp khó khăn trong điều hành, quản lý, không triển khai được kế hoạch và không tạo được sức mạnh tập thể thực hiện kế hoạch trong thực tiễn. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nếu không có kỹ năng diễn đạt thì công tác vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương chính sách đó sẽ rất hạn chế.

Vì vậy, việc nghiên cứu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng phong cách diễn diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp đối với cán bộ, đảng viên là biện pháp thiết thực để vận dụng vào thực tiễn công tác và cuộc sống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn hiện nay./ Từ Quang Hóa

5375 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1042
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1042
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76413341