Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tỉnh Quảng Trị qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 

Qua 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức thành viên tỉnh Quảng Trị đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tạo những chuyển biến tích cực trong diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị và Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh Quảng Trị và các tổ chức thành viên đã chủ động xây dựng các chỉ tiêu, giải pháp triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Mỗi tổ chức thành viên của MTTQ đều có những cách tiếp cận riêng phù hợp với đối tượng hội viên: Hội Nông dân tỉnh gắn cuộc vận động với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh với phong trào “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Mỗi thanh niên mỗi ý tưởng, sáng kiến sáng tạo”; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với mô hình “5 không 3 sạch”, “hỗ trợ bò giống sinh sản; Hội Cựu Chiến binh và Hội Cựu Thanh niên xung phong cũng có những phong trào riêng góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng; đưa giống, cây trồng có năng suất, chất lượng cao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhiều mô hình trang trại, gia trại theo hướng đầu tư thâm canh như mô hình chăn nuôi lợn bản, lợn rừng, thỏ, dê, gia cầm, thuỷ cầm, lúa, nuôi cá, nuôi trồng thuỷ sản trên sông, trồng các loại rau, hoa màu có giá trị kinh tế cao ngày càng được nhân rộng ở các khu dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển cao su tiểu điền, khôi phục và phát triển cây hồ tiêu, trồng lạc theo quy trình kỹ thuật công nghệ cao và nhiều cây dược liệu mang lại thu nhập cao.

Phối hợp thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện nguồn vốn cho đoàn viên, hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; động viên Nhân dân đoàn kết chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục và mở rộng các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế. Nhiều hợp tác xã, gia đình, nhóm hộ ở khu dân cư đã giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; vận động phát huy vai trò tích cực của Nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, tích cực đóng góp xã hội hóa xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, tham gia vào các tổ tự quản về an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hoá trong khu dân cư.

Song song với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội luôn được MTTQ và các tổ chức thành viên quan tâm hàng đầu; các hoạt động kêu gọi, vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được đẩy mạnh thông qua các chương trình cụ thể như “Nối vòng tay nhân ái”, “Tết vì người nghèo”...  Phong trào thi đua “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động được triển khai quyết liệt, Ban Chỉ đạo Đề án 197 đã tích cực triển khai có hiệu quả Đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2026”. Từ năm 2021 đến 31/3/2025, các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 5.165 nhà Đại đoàn kết, nhà tạm bợ, nhà dột nát cho hộ nghèo, trị giá 339.370 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 2.599 nhà trị giá 71.278 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.107 hộ gia đình, trị giá 776,72 triệu đồng; hỗ trợ cho 5.729 em học sinh nghèo, trị giá 2.909,2 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho 1.731 người, trị giá 1.655,2 triệu đồng. Công tác vận động, cứu trợ thiên tai, rủi ro, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được quan tâm đặc biệt. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, từ nguồn Quỹ Cứu trợ tỉnh đã giải ngân số tiền 20,28 tỷ đồng. Trong đó, chuyển đến Quỹ Cứu trợ Trung ương để ủng hộ Nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 là 2 tỷ đồng; chuyển trực tiếp cho 26 tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 là 16,8 tỷ đồng; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trong tỉnh là 1,48 tỷ đồng.

Ngoài phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường cũng được chú trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của cán bộ và Nhân dân; môi trường văn hóa lành mạnh ở cộng đồng dân cư được nâng cao, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp . Nhận thức của người dân về việc xây dựng đạo đức và lối sống, gắn liền với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực. “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh được tổ chức sôi nổi với 100% các khu dân cư tham gia; trong đó trên 85% khu dân cư thực hiện cả phần lễ và các hoạt động gắn kết cộng đồng. Thông qua ngày hội, tinh thần đoàn kết, tương ái, những giá trị văn hóa cộng đồng, mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân được duy trì và nhân lên.

Các tổ chức tôn giáo đã tích cực cùng Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp tham gia thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình sáng tạo như: “Ngày Chủ nhật xanh, khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”, “Đường hoa yêu thương” ở các chùa và niệm phật đường ở huyện Cam Lộ; mô hình “Đường hoa xóm đạo” ở Niệm Phật đường Đạo Đầu, xã Triệu Trung; Thành phố Đông Hà xây dựng mô hình điểm về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Khu phố 2, Phường 5, những mô hình này với cách làm hay, sáng tạo; Dự án “Giếng nước tình thương” của Hội thánh Tin Lành Quảng Trị đã làm 20 giếng khoan nước, 10 giếng nước đào, 30 bể chứa, 01 bể lọc, 30 lọc nước, 15 nhà vệ sinh với tổng giá trị 1,75 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở Quảng Trị vẫn còn những khó khăn. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và Nhân dân về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các tổ chức thành viên, cấp, ngành trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các cuộc vận động chưa được cụ thể, chặt chẽ. Vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận ở một số địa phương còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Quảng Trị chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, trong giai đoạn 2024 - 2029, MTTQ tỉnh Quảng Trị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia xây dựng, duy trì có hiệu quả Khu dân cư “Tự quản, đoàn kết, ấm no, an toàn, hạnh phúc”, góp phần xây dựng, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay”.

Với tinh thần “Đoàn kết là sức mạnh”, MTTQ và các tổ chức thành viên tỉnh Quảng Trị đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc huy động sức dân để xây dựng một Quảng Trị ngày càng giàu đẹp, văn minh. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là minh chứng sinh động cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thái Xuân Dũng-Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy

 

37 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 417
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 417
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 95400442