|
Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên áp dụng công nghệ quản lý chăn nuôi theo công nghệ blockchain |
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc triển khai hệ thống TE-FOOD – một ứng dụng công nghệ blockchain, để quản lý chăn nuôi. Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước được chọn thí điểm áp dụng công nghệ quản lý chăn nuôi theo công nghệ blockchain.
Hiện nay Đồng Nai đang triển khai 3 dự án quản lý, truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi, gồm: Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ động vật, chương trình quản lý trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm và chương trình xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. Sắp tới Đồng Nai sẽ đưa vào thí điểm áp dụng các chương trình quản lý trên tại các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, sau đó sẽ nhân rộng trên địa bàn.
Tổng cục Thống kê cho biết, hệ thống quản lý TE-FOOD sẽ được áp dụng với những trang trại chăn nuôi từ 30 con lợn và 1.000 con gà trở lên. TE-FOOD sẽ giúp giám sát dịch bệnh, sản lượng tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc đối với thịt lợn, thịt gà.
Khi ứng dụng công nghệ quản lý TE-FOOD đối với gia súc, gia cầm sẽ giúp thống kê chính xác về tổng đàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, qua đó giúp kiểm soát và quản lý tốt hơn tình hình dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho TTXVN biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê triển khai phần mềm hệ thống quản lý trong chăn nuôi TE-FOOD theo chuỗi, khối để sớm đưa vào sử dụng, vì truy xuất nguồn gốc, quản lý chăn nuôi theo quy trình khoa học, an toàn dịch bệnh, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
|
Sản phẩm thịt lợn được kiểm soát nguồn gốc rõ ràng nhờ công nghệ blockchain |
Việt Nam - Một trong những nước đầu tiên ứng dụng blockchain để truy xuất thực phẩm
Blockchain (chuỗi khối) là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó.
Với khả năng chia sẻ thông tin dữ liệu minh bạch theo thời gian thực, tiết kiệm không gian lưu trữ và bảo mật cao, blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông…
TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM, đồng sáng lập, Chủ tịch TE-FOOD International cho biết, công nghệ blockchain có ưu điểm là minh bạch thông tin, ghi nhận sự kiện theo "thời gian thực". Ví dụ, trong chăn nuôi, các bên tham gia chuỗi cung ứng sẽ nắm được sản phẩm từ quốc gia nào, nông trại nào, nhà nông cho động vật ăn gì và khi nào, tiêm thuốc gì, giết mổ ở đâu, cán bộ thú y nào cho xuất trại và cho bán thịt...
Dữ liệu khi đã đưa vào hệ thống blockchain không thể thay đổi, không thể kéo lùi ngày khai báo tiêm chủng, phun thuốc để xuất bán cho kịp chuyến hàng.
Công nghệ blockchain có thể thay thế các loại giấy tờ, không cần đóng dấu, ký tên... Các thông tin nằm trên hệ thống đám mây, ai cũng có thể kiểm soát thông tin qua thiết bị di động kết nối 3G hay wifi.
Nhà chức trách khi nhận thấy sản phẩm không an toàn sẽ phát hiện cả chuỗi trong vòng 2 giây, thay vì 3-4 tháng tìm kiếm, điều tra và thu hồi sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng như trước đây. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tự giám sát toàn bộ chu trình hình thành sản phẩm.
Công ty TE-FOOD thành lập và đăng ký bảo hộ các bản quyền và thương hiệu chính thức tại Đức. Mặc dù vậy, công nghệ TE-FOOD blockchain được phát triển đầu tiên tại Việt Nam bởi công ty con là TE (tại Công viên Phần mềm Quang Trung) nhằm truy xuất nguồn gốc thịt lợn theo đặt hàng của chính quyền TPHCM cách đây 4 năm.
TE-FOOD áp dụng nhiểu công nghệ thông dụng để tiết kiệm chi phí như QR, di động (mobility), điện toán đám mây và những công nghệ mới như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), blockchain...
Nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm của TE-FOOD đang nghiên cứu để nhận dạng mặt súc vật (như heo, bò) thay vì đeo vòng, đeo thẻ tai RFID nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng có thể theo dõi sự phát triển của súc vật như chiều cao, cân nặng qua hình ảnh.
TE-FOOD đã ký kết với Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhằm áp dụng hệ thống TE-FOOD blockchain trong quản lý đàn chăn nuôi. Qua thiết bị di động, cơ quan chức năng có thể biết cả nước hay tỉnh có bao nhiêu con lợn, bò, gà, bao nhiêu thương phẩm để quản lý cung cầu tốt, tránh tình trạng giải cứu.
Với công nghệ của TE-FOOD, cơ quan chức năng có thể quản lý các loại thức ăn và việc tiêm vaccine phòng bệnh, quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Hệ thống mới cũng kiểm soát truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể nơi hay xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...
TE-FOOD hiện có đại diện tại 16 nước. Tháng 12/2018, TE-FOOD được bình chọn là 1 trong 10 blockchain lớn nhất thế giới.
CM