Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên 

Ngày 3/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 24 – CT/ TU “Về việc tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên”. Chỉ thị đã khẳng định giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh, sinh viên là một việc vô cùng quan trọng nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam vừa “hồng” vừa “chuyên” góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên

Khi nói về vai trò của việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cho đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Mà muốn vậy, thì không có cách nào khác ngoài giáo dục. Đặc biệt, trong Di chúc người căn dặn Đảng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng đó, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiểu chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ như  Chỉ thị số 20 – CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính Trị  “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; Chỉ thị số 42- CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị cũng đã ban hành Chương trình hành động số 13- CTHĐ/TU, ngày 15/1/2016 về thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư đã cho thấy tầm quan trọng và ý ý to lớn của việc tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên hiện nay.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, thời gian qua công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, học sinh, sinh viên thêm yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, ý thức tuân thủ pháp luật, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu của giáo dục là: “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước.

Có thể khẳng định công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh, sinh viên được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là các trường học trên địa bàn tỉnh đã luôn quan tâm, chú  trọng và triển khai bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng. Các cơ sở giáo dục đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, triển khai rộng khắp ở các địa phương và cơ sở đào tạo; phương pháp dạy học được đổi mới ở từng cấp học, ngành học, từng môn học phù hợp với từng lứa tuổi…

Các trường học đã chú trọng  lồng ghép, tích hợp nhiều nội dung; tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động lao động tập thể, chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp; đưa nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc vào giáo dục; mô hình các câu lạc bộ tài năng, nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên được thành lập và hoạt động hiệu quả... Nhiều học sinh phổ thông, sinh viên đại học đã tham gia các kì thi, sáng tạo khoa học kỹ thuật... đạt giải cao ở trong nước và quốc tế. Điều đó khẳng định, những đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục đã tạo điều kiện phát huy phẩm chất, năng lực người học, góp phần nâng cao phẩm chất, đạo đức, nhân cách của tuổi trẻ Quảng Trị.

Nhờ vậy, đa số học sinh, sinh viên Quảng Trị có tinh thần yêu nước, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xác định được mục tiêu, lý tưởng, ý chí phấn đấu, hiếu học, tôn sư trọng đạo; có phẩm chất đạo đức tốt; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, trong đó có những tấm gương học sinh, sinh viên xuất sắc như Văn Viết Đức, Phan Đăng Nhật Minh, Lê Thanh Tân Nhật, Phạm Huy…. Đã trở thành những tấm gương tiêu biểu để các thế hệ học sinh, sinh viên tỉnh nhà học tập noi theo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, lối sống ích kỷ, không lành mạnh và có những hành vi thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ cương, kỷ luật của nhà trường...Đặc biệt đáng lo ngại là một số bộ phận học sinh, sinh viên có tình trạng suy thoái về đạo đức, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu hoài bão lập thân, lập nghiệp vì tương lai của bản thân và đất nước…

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những mặt trái của kinh tế thị trường nó tác động rất lớn đến đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên. Vì vậy, để tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Quảng Trị nhằm xây dựng một thế hệ trẻ Quảng Trị vừa có đức vừa có tài, thiết nghĩ, trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh sinh viên hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20 – CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính Trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”; Chỉ thị số 42- CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Đề án của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong trường học, đặc biệt là đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các thầy giáo, cô giáo. Xây dựng hình ảnh “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đẩy mạnh các phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học”.

Đổi mới nội dung phương pháp dạy, học và thi cử, đặc biệt là với các môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Tăng cường giáo dục giá trị sống, kỷ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường. Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc xây dụng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Ban hành và hướng dẫn việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và các địa phương, theo từng chủ đề và thời gian; chỉ đạo tổ chức nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa, nhất là tổ chức hoạt động “về nguồn” tới các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử, văn hóa gắn với tên tuổi của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng và các chiến công hiển hách của quân đội và nhân dân ta để từ đó học sinh được giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước. Phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các cơ quan liên quan, nhất là với Đoàn Thanh niên triển khai các chương trình phối hợp để cùng chăm lo hoạt động của nhà trường cũng như việc học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên.

Tăng cường củng cố mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh, sinh viên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình xã hội học tập, gia đình văn hóa, những tấm gương người tốt, việc tốt, những học sinh, sinh viên tiêu biểu, xuất sắc để học sinh, sinh viên học tập và noi theo; đồng thời tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra và xử lý nghiêm những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, bạo lực học đường góp phần hướng đến hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên theo giá trị "Chân - Thiện - Mỹ".

Hải Đăng

2190 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 625
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 625
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76774428