Năm 2018, tổng khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 196.797 tỷ đồng. Trong số đó có 171.797 tỷ đồng được phát hành thông qua đấu thầu, đạt gần 86% so với kế hoạch huy động chưa điều chỉnh công bố đầu năm 2018 (200.000 tỷ đồng) và đạt 98% so với kế hoạch huy động đã điều chỉnh vào đầu tháng 10/2018 (175.000 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối tháng 12/2018, tổng giá trị lưu hành của TPCP là 1.082.194 tỷ đồng, trong đó giá trị lưu hành của TPCP đạt 919.706 tỷ đồng, chiếm 84,99%, của TPCP bảo lãnh 141,265 tỷ đồng, chiếm 13,05%, và của trái phiếu chính quyền địa phương 21.224 tỷ đồng, chiếm 1,96%.
Năm 2019, Kho bạc Nhà nước dự kiến phát hành 260.000 tỷ đồng TPCP, và trong quý I đã đấu thầu thành công gần 69.469 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu 73.500 tỷ đồng, hoàn thành 94,5% kế hoạch quý và gần 27% kế hoạch năm.
Trái với sự sôi động suốt các năm qua của TPCP, thị trường TPDN mới nhộn nhịp hơn trong năm 2018. Giai đoạn năm 2010-2014, khối lượng phát hành TPDN hàng năm dao động trong khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, đến năm 2016 quy mô TPDN mới đạt khoảng 2,5% GDP.
Đến năm 2018, TPDN bứt tốc khi có đến 107 thương vụ phát hành TPDN của các công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán với khối lượng phát hành thành công là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017.
Theo đó, dư nợ thị trường TPDN đã đạt mức 474.500 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với cuối năm 2017. Dù vậy, so với TPCP, quy mô TPDN vẫn còn khá nhỏ và số lượng DN phát hành chiếm tỷ lệ không đáng kể nếu so với 700.647 DN đang hoạt động (tại thời điểm cuối năm 2017) và khoảng hơn 1.565 DN niêm yết trên HNX, HOSE và UPCoM.
Giai đoạn 2019-2020 được đánh là thời điểm tạo động lực mới để vừa tạo cơ hội, vừa tạo sức ép để thị trường phát triển. Vì nếu DN không phát hành trái phiếu sẽ không đủ vốn, đặc biệt là vốn dài hạn để đầu tư phát triển nếu tín dụng bị siết.
Công Trí