Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những thắng lợi nổi bật và vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, là mốc son chói lọi trong lịch sử ngàn năm của dân tộc ta. Đó chính là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu mãi mãi soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó có các bài học chủ yếu là:
Thứ nhất, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ, chống đế quốc và phong kiến.
Ngay từ khi Đảng ta mới thành lập, trong “Chính cương vắn tắt” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo đã khẳng định phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam là: làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Chính từ phương hướng đó, trong quá trình lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền, xuất phát từ thực tế nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn dân tộc là mâu thuẫn chủ yếu, nổi lên hàng đầu, Đảng đã linh hoạt trong giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và dân chủ, giữa chống đế quốc và phong kiến, trong đó xác định đặt nhiệm vụ giành độc lập dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ đấu tranh giai cấp thực hiện từng bước thích hợp ở từng giai đoạn, tùy thuộc vào tiến trình giải phóng dân tộc. Chính sự linh hoạt trong giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chống đế quốc và phong kiến trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã đáp ứng đúng nguyện vọng thiêng liêng, cấp bách của toàn dân tộc và đã giúp cho Đảng huy động được sức mạnh của toàn dân tộc cùng quyết tâm chống thực dân Pháp và phát xít Nhật, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thứ hai, xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng vững chắc của khối liên minh công - nông, đấu tranh vì độc lập, tự do.
Thấm nhuần và phát triển sáng tạo luận điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng Nhân dân trong lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân và phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, ngay từ khi mới thành lập và lãnh đạo Nhân dân đấu tranh cách mạng, Đảng đã rất chú trọng việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. Từ năm 1930 đến năm 1941, qua nhiều chặng đường thể nghiệm xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, đặc biệt với sự ra đời của mặt trận Việt Minh (năm 1941) đã đảm bảo cho khối đại đoàn kết dân tộc được tạo dựng vững chắc và sâu rộng. Với chủ trương đúng đắn là “liên hiệp hết thảy các tầng lớp Nhân dân, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành độc lập...”[1], cùng phương thức tổ chức đa dạng, phong phú, mặt trận Việt Minh đã trở thành hạt nhân quy tụ, tập hợp các giai cấp, tầng lớp Nhân dân đứng vào hàng ngũ của mình để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Thứ ba, kịp thời nắm bắt thời cơ, chủ động, sáng tạo tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Thời cơ là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến thì phải tận dụng và tranh thủ thời cơ, không được bỏ lỡ. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, việc nắm bắt thời cơ được thể hiện ngay khi Đảng đưa ra những dự báo về tình thế cách mạng để dân tộc Việt Nam vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Khi phát xít Nhật nổ súng lật đổ thực dân Pháp ở Đông Dương (ngày 9/3/1945), với chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng đã nhận định tình hình và dự đoán hai tình huống có thể diễn ra: thứ nhất là, quân đồng minh vào Đông Dương đánh Nhật; thứ hai là, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Và tình hình đã diễn ra đúng như dự đoán thứ hai của Đảng ta, ngày 14/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện đã khiến cho quân Nhật ở Đông Dương hoang mang cực độ, đồng thời chính phủ thân Nhật ở Việt Nam cũng tỏ ra hoàn toàn tê liệt. Đến đây, kẻ thù của cách mạng Việt Nam đã suy yếu, không còn có khả năng thống trị như cũ được nữa, thời cơ “ngàn năm có một” cho chúng ta giành chính quyền đã xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải hành động mau lẹ và kiên quyết. Nếu không kịp thời phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền thì “vạn năm” cũng không thể được bởi lúc này quân Tưởng và Anh đang sẵn sàng nhảy vào Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất là để thực hiện âm mưu mới của chủ nghĩa đế quốc trên danh nghĩa đồng minh. Trước tình thế vô cùng khẩn cấp và thuận lợi đó, Đảng đã quyết định phát động toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền và chỉ từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945, với sự kết hợp linh hoạt các hình thức, phương pháp đấu tranh cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, tuyên truyền kết hợp với bạo lực cách mạng, nhằm phân hóa, cô lập kẻ thù, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi một cách nhanh, gọn, không đổ nhiều máu và thành công triệt để.
Thứ tư, xây dựng Đảng vững mạnh, trung thành vô hạn với dân tộc và giai cấp.
Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, lúc đó Đảng ta mới 15 tuổi, với gần 5.000 đảng viên, nhưng đã lãnh đạo toàn dân tộc làm cuộc cách mạng giành thắng lợi. Thành công đó là nhờ Đảng được xây dựng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ sáng suốt, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng đã nắm vững thời cơ, kiên định, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, định ra đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn. Đặc biệt, Đảng có đội ngũ cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân; luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng và đi theo. Nhờ đó, khi Đảng kêu gọi Nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng thì muôn người như một, đoàn kết thành sức mạnh vô cùng to lớn đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa dân tộc Việt Nam đứng vào hàng ngũ những dân tộc tiên phong trong đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh ngày 2/9, chúng ta càng nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa ngày nay, để từ đó tiếp tục xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Lệ Thu
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam - Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, t7, tr.149.