Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng chính trị thông qua sử dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 

Công tác bồi dưỡng chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức là một vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng tư duy lý luận vững chắc, củng cố quan điểm chính trị vững vàng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chiến lược của Đảng, qua đó vận dụng vào thực tiễn công tác.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Người đã nêu ra những nội dung huấn luyện cần tập trung như: “Huấn luyện nghề nghiệp, Huấn luyện chính trị, Huấn luyện văn hóa; Huấn luyện lý luận. Học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế….”

Hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức nói chung là nội dung được Đảng ta đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên… nhất quán từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương”.

Đối với tỉnh ta, trong thời gian qua đã triển khai tổ chức học tập, quán triệt và triển khai đồng bộ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bồi dưỡng lý luận chính trị1 và đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao nhận thức, trình độ chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Công tác cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về công tác bồi dưỡng chính trị được cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở chú trọng lãnh đạo, tổ chức thực hiện2.

Đối với việc tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch nghiên cứu, vận dụng, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với triển khai nhiệm vụ chính trị và hoạt động thực tiễn ở địa phương, cơ quan, đơn vị được tổ chức triển khai đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Ban chấp hành, ban thường vụ các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn việc học tập, nghiên cứu, vận dụng, phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy các cấp chú trọng chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đổi mới cách thức ban hành, triển khai các nghị quyết của Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng từng bước được nâng lên, từ 94% năm 2018 lên 97% năm 2022, 98% năm 2023. Chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận và năng lực công tác. Chỉ đạo, triển khai nghiêm túc việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; triển khai hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm “Một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tăng cường nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm như tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, an ninh trật tự an toàn xã.

Trong bối cảnh những tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đến đời sống kinh tế - xã hội ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, việc sử dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức là xu thế tất yếu và khách quan. Trong đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mới về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ và kỹ thuật hiện đại vào công tác đào tạo, bồi dưỡng và học tập lý luận chính trị, cũng như công tác tổ chức, triển khai đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, giảng viên chuyên trách; vận dụng sáng tạo, linh hoạt những thành tựu khoa học, công nghệ và kỹ thuật hiện đại trong quá trình học tập, nâng cao trình độ của bản thân.

Thứ hai, bảo đảm trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức và đảng viên mới. Đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ, đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại là điều kiện tiên quyết trong bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức đảng viên mới giai đoạn hiện nay. Cần tiếp tục tăng cường các nguồn kinh phí, đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị từng bước hiện đại hơn, phù hợp với xu thế chuyển đổi số nhằm đảm bảo phục vụ công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức và đảng viên mới.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyên trách làm công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đòi hỏi đảng bộ các cấp phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên có tư duy mới và kỹ năng mới nhằm thích ứng tốt hơn với bối cảnh mới. Đặc biệt, trước những yêu cầu đặt ra của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, mỗi cán bộ, giảng viên chuyên trách về bồi dưỡng chính trị tư tưởng phải tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là nắm bắt công nghệ thông tin hiện đại, để không lạc hậu với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số và có thể ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại vào công tác giảng dạy.

Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục lý luận chính trị theo hướng ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại vào giải quyết những tình huống thực tiễn, phục vụ nhu cầu công tác của người học, giảm những nội dung lý luận chung, trừu tượng trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Việc xác định đúng đắn vai trò của khoa học - công nghệ trong công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng sẽ giúp cho chủ thể tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng định hình được những nội dung liên quan, tiên quyết trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, như việc xác định nội dung giáo dục, đối tượng phù hợp của quá trình giáo dục và lựa chọn hình thức giáo dục sao cho phù hợp nhất trong bối cảnh Cách mạng 4.0.

Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 trong nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho lực lượng công chức, viên chức là một yêu cầu cấp thiết, cần có sự đồng lòng, thống nhất thực hiện từ trên xuống dưới, từ chính nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc học tập một cách nghiêm túc, có sự đầu tư và sự chỉnh chu, tâm huyết của đội ngũ cán bộ chuyên trách, giảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, để chất lượng công tác bồi dưỡng chính trị tư tưởng ngày càng được nâng cao và đạt hiệu quả cao nhất./. Phan Văn Lãn

---------------------------------------

1 Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 8/2/2018 của Ban Bí thư về tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; Hướng dẫn số 55-HD/BTGTW, ngày 21/12/2017 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức trao đổi, đối thoại với các cá nhân có nhận thức khác với chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Đảng về học tập lý luận chính trị trong Đảng: Kết luận số 69-KL/TW, ngày 14/4/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Quy định 54-QĐ/TW, ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị khóa VIII về chế độ lý luận chính trị trong Đảng; Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 08/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2015 – 2020…

2 Trong 02 năm 2018-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ đảng viên”. Đến tháng 12/2019, có 15/15 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án và Thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị; nghiên cứu quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong cán bộ, đảng viên”.

803 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 799
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 799
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77001227