Ảnh minh họa. (Nguồn: baodauthau.vn)
Đây là đánh giá được đưa ra tại hội thảo Tổng kết dự án Phát triển năng lượng tái tạo (REDP) giai đoạn 2009 – 2018 do Bộ Công Thương đã tổ chức ngày 21/6, tại Hà Nội.
Dự án REDP do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác kinh tế liên bang Thuỵ Sỹ (SECO) tài trợ, có tổng kinh phí viện trợ ODA tương đương hơn 204 triệu USD; trong đó, nguồn vốn tài trợ không hoàn lại gần 2,3 triệu USD. Dự án nhằm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối lưới điện quốc gia trên cơ sở thương mại, đảm bảo phát triển bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), dự án REDP có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng, hỗ trợ có tính toàn diện cho Chính phủ Việt Nam về chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Đồng thời, thu hút các nguồn lực xã hội trong hoạt động đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian tới.
“Dự án đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thành công 19 dự án về thuỷ điện nhỏ có tính năng lượng tái tạo. Với quy mô công suất tổng cộng 320MW, tổng điện lượng hàng năm gần 1,3 tỷ kWh, dự án đã cung cấp được cho Hệ thống điện Việt Nam một nguồn điện đáng kể, đặc biệt có giá trị vào giờ cao điểm và cấp điện cho các nhu cầu tại chỗ của địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới. Mong rằng, các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành với Việt Nam, hỗ trợ ngành điện các dự án quy mô lớn trong thời gian tới”, ông Thành nói.
Trưởng cơ quan Hợp tác, Đại sứ quán Thuỵ Sỹ - ông Marcel Raymond cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, không chỉ tạo ra điện sạch mà còn tạo việc làm. Với các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, chi phí thấp từ dự án này, Việt Nam có thể cạnh tranh tốt trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Báo cáo tổng kết dự án cho hay, dự án đã hỗ trợ một số cơ quan nhà nước trong việc hoàn thiện các thể chế chính sách về phát triển năng lượng tái tạo, về mô hình sử dụng các nguồn vốn tài trợ nước ngoài phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong các thời kỳ phát triển. Cùng với đó là xây dựng cơ sở dữ liệu về đo gió và phát triển điện gió, bản đồ tiềm năng nguồn sinh khối toàn quốc, bản đồ địa hình nền phục vụ xây dựng quy hoạch các dự án điện mặt trời…
Dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho một số trường đại học như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Thuỷ Lợi về cơ sở vật chất, về thông tin, phương pháp luận và phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ đầu tư, tư vấn, xây dựng, quản lý phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai tại Việt Nam.
Theo TS. Trịnh Quốc Công, Trường Đại học Thuỷ lợi, trong các môn học như thuỷ năng, đồ án thiết bị thuỷ điện, công trình thuỷ điện, các nguồn năng lượng tái tạo, và trong các thí nghiệm của trường… nhiều môn chưa có được tài liệu hướng dẫn, giáo trình cũ. REDP đã hỗ trợ giáo trình dịch làm tài liệu, bổ sung các thiết bị thí nghiệm turbin gió…Nhờ vào sự hỗ trợ này, các trường sẽ thực hiện được chiến lược phát triển đào tạo nguồn nhân lực năng lượng tái tạo dài hạn, đào tạo chuyên sâu hơn cho giáo viên và sinh viên nhà trường, tạo cơ hội nghề nghiệp mới cho sinh viên…”.
Ông Trịnh Quốc Công cũng kiến nghị, cần tiếp tục có những dự án hỗ trợ nhà trường thực hiện đào tạo chuyên ngành như thiết kế hệ thống điện mặt trời, kỹ thuật tích hợp hệ thống điện mặt trời và thuỷ điện nhỏ, phát triển năng lượng đa nhiệt, năng lượng sóng biển…
Với quy mô kinh tế hiện nay và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 7%/năm, nhu cầu năng lượng nói chung và điện nói riêng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Trong bối cảnh này, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hoá nguồn cung năng lượng sơ cấp và bảo vệ môi trường. Dự án REDP đã được triển khai đúng tiến độ và hoạt động hiệu quả, mang lại các kết quả tích cực đối với việc phát triển kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt đối với vùng trực tiếp hưởng lợi từ dự án./.
Đức Dũng/TTXVN