|
Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Ảnh: VGP/Phan Trang. |
Đề xuất trên được Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần xây dựng Gia Thy Phan Hoàng Tuấn chia sẻ tại Diễn đàn “Doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức vào sáng nay (19/12).
Theo đó, đề xuất về mô hình kinh tế chia sẻ, ông Phan Hoàng Tuấn kiến nghị, cần tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp phát triển, Chính phủ cần phân bổ nguồn vốn đề đầu tư nhanh chóng về cơ sở dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin, Big data và có chính sách luật pháp về chia sẻ, quản lý nguồn dữ liệu với các doanh nghiệp tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ. Cho phép những nguồn lực tài sản công nhàn rỗi được đưa vào tham gia trong mô hình kinh tế chia sẻ nhằm gia tăng hiệu quả của tài sản.
“Hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của Việt Nam như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giao dịch điện tử… và các quy định về thuế hiện nay hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ, do đó cần đẩy nhanh trong việc sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, chính sách hiện hành cho phù hợp với yêu cầu quản lý theo từng hoạt động của kinh tế chia sẻ…”, ông Phan Hoàng Tuấn đưa ra quan điểm.
Thêm vào đó, ông Tuấn cho rằng, đối với những công nghệ mới, cần đẩy mạnh các loại hình thanh toán sử dụng các công cụ thông minh, điện thoại thông minh, có chính sách, những ưu đãi để quản lý, thúc đẩy Fintech (công nghệ tài chính) phát triển. Ngoài ra, cần phát triển nhiều kênh thanh toán phù hợp với sự phát triển công nghệ, tiến trình phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhằm thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienViePostBank Nguyễn Đình Thắng kiến nghị, Nhà nước cần sớm ban hành các luật, khung pháp lý trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới, sáng tạo để kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ cho sự phát triển ứng dụng công nghệ 4.0, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Luật và các văn bản dưới luật cần phải đồng bộ, cụ thể, rõ ràng phù hợp cơ bản với thông lệ quốc tế, tạo sự bình đẳng về chính sách cho các loại hình doanh nghiệp, loại bỏ các văn bản dưới Luật cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, địa phương có chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam, sản phẩm Việt Nam chất lượng ứng dụng công nghệ cao.
Về Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, cần sớm đổi mới toàn diện về phương thức, nội dung đào tạo từ bậc tiểu học đến sau đại học, khuyến khích xã hội hóa đào tạo.
Ghi nhận những ý kiến tại Diễn đàn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đồng hành, lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu các phản ánh khó khăn, vướng mắc và ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân về hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng trên tinh thần mọi cơ chế, chính sách phải bám sát thực tiễn cuộc sống và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Diễn đàn này đã phát huy được trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân trong tham gia hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; đưa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, nhất là các Nghị quyết Trung ương 5 khoá XII.
Phan Trang