Yêu cầu này được Uỷ ban Thường vụ nhấn mạnh trong phiên họp chiều 11/12 khi cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Hoàn thiện, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và thực tiễn. “Việc ban hành Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời cụ thể hóa các định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách ưu đãi đầu tư; củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, chạy đua thu hút đầu tư gay gắt giữa các quốc gia và hoàn thiện, tăng tính hiệu quả của hệ thống chính sách về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Dự thảo Nghị định có 6 Chương, 45 Điều, quy định về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ; tổ chức và quyền hạn của Hội đồng quản lý Quỹ; Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; Cơ quan điều hành Quỹ. Hỗ trợ chi phí (phương thức, hạng mục, đối tượng, tiêu chí và điều kiện; mức hỗ trợ chi phí của các hạng mục); và hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu (đối tượng, tiêu chí, điều kiện và mức hỗ trợ)…
Thẩm tra Dự thảo Nghị định, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành việc ban hành nghị định của Chính phủ để bảo đảm thực hiện các nội dung đã được quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội để triển khai các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC), duy trì tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng được áp dụng hỗ trợ đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia (thuộc diện chịu thuế TTTC) trong lĩnh vực công nghệ cao, không bao gồm tất cả các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế TTTC; đồng thời, cũng có những doanh nghiệp không nộp thuế TTTC (chẳng hạn do bị lỗ hoặc không thuộc đối tượng nộp thuế TTTC) vẫn được nhận các khoản hỗ trợ từ Quỹ; các doanh nghiệp trong nước sẽ khó đáp ứng các điều kiện, tiêu chí để có thể được hưởng hỗ trợ từ Quỹ.
Vì vậy, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc để hướng tới mục tiêu Quỹ cũng được sử dụng cho việc khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và các lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư khác theo Nghị quyết 110/2023/QH15; đồng thời cần quan tâm bảo đảm giải quyết các trường hợp khiếu nại về bảo đảm đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung nhưng không được hưởng hỗ trợ của Quỹ.
Bảo đảm minh bạch về mức, đối tượng hỗ trợ
Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, mục tiêu ban hành Quỹ Hỗ trợ đầu tư là hỗ trợ cho tất cả mọi thành phần kinh tế, cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước nếu đạt tiêu chí. Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát xem khi Nghị định này được ban hành thì có bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu ngành nghề được hỗ trợ.
“Nếu chúng ta không tính cụ thể, khi ban hành nghị định ra rà soát không thấy được doanh nghiệp nào thì không thành công. Tôi muốn trong các cơ chế, chính sách đấy thì phải ứng dụng ngay vào thực tế” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, theo tinh thần của Dự thảo Nghị định thì chủ yếu là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Điều này hoàn toàn đúng bởi đây là lĩnh vực chúng ta mong muốn thu hút.
Tuy nhiên, nhìn lại đối tượng hiện nay đang nộp thuế TTTC theo quy định Nghị quyết 107/2023/QH15 của Quốc hội thì rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn có đầu tư tại Việt Nam, nhưng không hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao lại không rơi vào phạm vi được hỗ trợ theo quy định của Nghị định này. “Phải hài hòa tương đối để tránh tình trạng khi áp dụng Nghị định thì hỗ trợ lại rơi vào một nhóm doanh nghiệp nào đó của một số quốc gia nào đó có đầu tư ở Việt Nam; như vậy, vô hình trung sẽ dẫn đến sự so bì, tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh và sức hút môi trường đầu tư của Việt Nam” - Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói và nhấn mạnh, phải có sự đối xử công bằng với các nhà đầu tư, nhất là đối những quốc gia có đầu tư lớn ở Việt Nam.
Tán thành việc Chính phủ xây dựng Nghị định nhằm kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút, khuyến khích tất cả các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần rà soát nội dung Dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, tránh xung đột pháp lý, nhất là các quy định về thuế TTTC.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần xác định mục tiêu sử dụng Quỹ là bảo đảm hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước; bảo đảm minh bạch về mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ. “Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ với các tỷ lệ khác nhau, một số khoản hỗ trợ quy định theo mức tối đa. Do đó, cân nhắc quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tránh phát sinh cơ chế xin - cho, dẫn đến khiếu nại” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ. Việc quản lý, hỗ trợ Quỹ cho doanh nghiệp phải bảo đảm chặt chẽ, tránh mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; nghiên cứu quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí bảo đảm minh bạch, khách quan.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát để bảo đảm Nghị định đáp ứng được các yêu cầu phù hợp với các quy định về thuế TTTC; hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và giữa các loại doanh nghiệp của nước ngoài ở các nước khác nhau. Cùng với đó, bảo đảm lợi ích thu được phải tương xứng, lớn hơn chi phí bỏ ra, bảo đảm cân đối ngân sách, an ninh tài chính quốc gia./.