“Triển vọng thị trường bất động sản 2017- Tác động chính sách” 

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam phối hợp với Báo Đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tạp chí Nhà đầu tư (Hiệp hội các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) tổ chức Hội thảo “Triển vọng thị trường BĐS 2017 – Tác động chính sách”.

Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các nhà đầu tư và các chủ thể thị trường nhận diện thực trạng thị trường BĐS Việt Nam 2016 và dự báo triển vọng 2017; giúp các cơ quan hoạch định chính sách tiếp cận ý kiến đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà đầu tư về các chính sách mới liên quan đến thị trường BĐS.



Hội thảo tạo diễn ra trao đổi thông tin hiệu quả về thị trường BĐS 2016 và dự đóan triển vọng thị trường 2017 
(Ảnh: HNV)

 

Kịch bản nào cho thị trường bất động sản 2017

Tại Hội thảo, TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản cho thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2017. Theo ông Chung, kịch bản đầu tiên, thị trường tăng trưởng tốt hơn năm 2016, thậm chí bùng phát là điều nhiều người mong muốn nhất nhưng khả năng lớn sẽ không xảy ra, bởi các điều kiện để đạt được điều này cũng khó xuất hiện. Đó là kinh tế thế giới không có khủng hoảng và quan hệ quốc tế không xuất hiện điểm nóng.

Còn với kịch bản thứ 2, thị trường sẽ đi ngang. Ông Chung tin tưởng thị trường có thể diễn ra theo kịch bản này. Khi đó, trên thị trường phải có sự điều chỉnh cơ cấu rõ ràng theo hướng sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, giảm lệch pha cung – cầu; một số phân mảng điều chỉnh giảm, một số phân mảng điều chỉnh tăng.

Với kịch bản 3, ông Chung cho rằng, thị trường sẽ suy giảm, trầm lắng. Đây là kịch bản ít người mong muốn nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra nếu có bùng phát điểm nóng trên thế giới, thế giới khủng hoảng như 2008, có trục trặc trong vận hành nền kinh tế nội tại của Việt Nam.

Giải thích rõ hơn về cơ sở đưa ra các kịch bản trên, TS. Trần Kim Chung cho rằng, thị trường BĐS năm 2016 đã có nhiều điểm tích cực và là cơ sở quan trọng cho năm sau tiếp tục có triển vọng khả quan. Đó là nhờ các chỉ tiêu vĩ mô, tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, thể chế đối với thị trường BĐS chuyển biến theo hướng thuận lợi.

Tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS chỉ chiếm 8,4% tổng tín dụng, giảm nhẹ so với tỷ trọng này năm 2015 (8,8%). Cơ cấu tín dụng bất động sản tiếp tục xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu bất động sản, giảm tỷ trọng đối với cung bất động sản. Tỷ trọng tín dụng dành cho cầu là 62% và cho nguồn cung bất động sản là 38%.

Trong khi đó, theo phân tích của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, năm 2016, thị trường BĐS đã có bước phát triển vững chắc, ổn định. Các phân khúc đều phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là phân khúc nhà ở cao cấp và bất động sản du lịch. Có được điều này là "nhờ hệ thống văn bản pháp luật hoàn thiện hơn và đã phát huy hiệu quả; sự quản lý của Nhà nước sát thực tiễn hơn, hiệu quả hơn và kịp thời hơn, như điều tiết cân đối cơ cấu hàng hóa BĐS thông qua các chính sách tín dụng, chính sách phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy phân khúc nhà ở thương mại mức trung bình. Hơn nữa, các chủ đầu tư cũng đã cân đối hơn cơ cấu hàng hóa, hướng đến các sản phẩm phục vụ số đông nhu cầu ở thực. Chất lượng các sản phẩm BĐS được cải thiện, không chỉ ở phân khúc cao cấp, mà cả các dự án nhà ở giá trung bình, thấp, thông qua việc đầu tư nhiều tiện ích cho tòa nhà và cả khu đô thị.

Bất động sản 2017 sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của phân khúc nhà ở giá rẻ



Hội thảo đưa ra dự đoán lạc quan về thị trường BĐS 2017 (Ảnh: HNV)

 

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, năm 2017 sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS, giúp thị trường sẽ có bước phát triển ổn định, cung dồi dào, nhất là bất động sản nhà ở hạng trung và cao cấp.

Tuy nhiên, TS Trần Kim Chung cho rằng, thị trường giảm nhiệt, quy mô sẽ giảm khá nhiều do việc đầu cơ suy giảm. BĐS sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành. Một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn. Tuy nhiên, nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cho thị trường bị thu hẹp: các ngân hàng thương mại hầu như không còn dư địa về nguồn vốn ngắn hạn theo quy định của ngân hàng nhà nước áp dụng từ tháng 1/2017. Và phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp (trên dưới 1 tỷ đồng) sẽ là tâm điểm phát triển của thị trường trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này, “cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ".

Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo, năm 2017, thị trường BĐS sẽ chứng kiến sự “lên ngôi” của phân  khúc trung bình thấp, nhà ở giá rẻ. BĐS sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm mới có thể tiêu thụ thuận lợi. Một số dự án đã triển khai sẽ được hoàn thành trong khi một số dự án chuẩn bị khởi công sẽ có thể bị đình hoãn. Phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ giá thấp khoảng 1 tỷ đồng sẽ là tâm điểm của thị trường trong giai đoạn tới. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường BĐS phát triển ổn định hơn và đi vào nhu cầu thực chất. Cơ cấu thị trường thay đổi theo hướng hướng nội, thực chất, có sự dịch chuyển từ phân khúc trung, cao cấp sang phân khúc trung bình thấp.

Đề cập tới đầu tư nước ngoài vào BĐS, GS.TSKH Nguyễn Mại vẫn đưa ra cái nhìn lạc quan. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, với 66 dự án đạt gần 1 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2016, BĐS đứng thứ hai sau lĩnh vực chế tạo. Mặc dù con số đó thấp hơn năm 2015 nhưng nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn. GS dẫn báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đang dẫn đầu FDI vào thị trường địa ốc Việt Nam. Nhà đầu tư ngoại không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp như trước mà họ còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình và nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét hơn nữa cho sự lên ngôi của phân khúc nhà ở giá rẻ trong năm 2017./.

1072 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 243
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 243
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88173228