|
Tọa đàm trực tuyến: "Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng" |
Nhằm chia sẻ với doanh nghiệp, ngày 11/5, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến: "Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng".
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, L/C là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ.
Việc này vẫn được thực hiện trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, đến ngày 22/4, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế VAT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế VAT kể từ ngày 1/1/2011. “Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp” – Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng nhưng vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu vì vậy tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Xuân Bắc, Đại diện Vụ tín dụng - Ngân hàng nhà nước cho biết, thu thuế GTGT với L/C đặt ra lâu và có nhiều cuộc họp diễn ra ở các cấp. Đây là vấn đề khó khăn về nhận thức của các bên khi chưa thống nhất.
Quan điểm của Đại diện Vụ tín dụng - Ngân hàng nhà nước L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa mang tính chất tín dụng và thanh toán. Ngay cả quốc tế khi giới thiệu sản phẩm này ra trên thị trường thanh toán quốc tế đều dùng từ credit không phải payment. Đây là thư tín dụng, không phải thư thanh toán. Bản chất tín dụng không thể phủ nhận. Như nhiều chuyên gia đã phân tích, hoạt động thư tín dụng mang tính chất bảo lãnh, trung gian giữa người xuất khẩu và người nhập khẩu.
Vì sao cần L/C mà không dùng thanh khoản trực tiếp? Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, trong quan hệ thanh toán quốc tế, khi người xuất khẩu và người nhập khẩu chưa tin tưởng lẫn nhau, chưa hiểu biết, không đủ uy tín cần trung gian đứng giữa để bảo đảm thanh toán theo hợp đồng thương mại. Bản chất của L/C là hoạt động bảo lãnh trung gian giữa người mua và người bán. Và khi quá trình làm ăn giữa hai bên có sự tin tưởng sẽ chuyển sang hình thức đơn giản hơn.
Ông Nguyễn Xuân Bắc cũng cho biết, về mặt cơ sở pháp lý, chúng ta đã trích dẫn Khoản 15 Điều 4 Luật TCTD 2010, tuy nhiên, nếu trích dẫn điều này thì chưa đầy đủ. Chúng ta còn điều khác cũng tại Luật TCTD như Khoản 4 Điều 14 hay như Khoản 3 điều 98 của Luật Tín dụng. Và Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng rất nhiều văn bản và gần đây nhất là Thông tư 22 của NHNN.
Có thể nói, Luật Tín dụng và Luật TCTD 2010 không hề phủ nhận bản chất lưỡng tính của L/C và bản chất này không thay đổi. Chúng ta không thể hiểu Luật TCTD 2010 phủ nhận bản chất tính dụng của L/C và cho rằng uy L/C chỉ là dịch vụ thanh toán. Và pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục mạch cũ, cho rằng L/C có hai bản chất vừa là cấp tín dụng vừa là thanh toán. Và các văn bản dưới luật cũng đi theo mạch đó. Có các Nghị định, Thông tư của NHNN cũng theo mạch quy định L/C là hoạt động mang tính chất lưỡng tính.
“Các ngân hàng hiện nay vẫn thực hiện nghiêm túc Công văn 11754. Có ý kiến cho rằng, khi Luật Các tổ chức tín dụng ra đời thì các văn bản dưới luật như Công văn này tự hết hiệu lực, tức là không cần ban hành văn bản chấm dứt hiệu lực của 11754. Nhưng nếu Luật các tổ chức tín dụng ra đời những không phủ nhận cái tính chất lưỡng tính của L/C, nên Công văn 11754 vẫn đang được thực hiện” – ông Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ.
Theo đó, Đại diện Vụ tín dụng - Ngân hàng nhà nước đề nghị không truy thu thuế từ 2010 vì nhiều lý do. Nếu thực hiện theo Văn bản 1606/TCT-DNL của Tổng cục Thuế sẽ có một số tác động, bất câp. Thứ nhất là thuế GTGT là thuế gián thu, nếu nộp bổ sung các tổ chức phải liên hệ lại với khách hàng, điều này rất không khả thi do nhiều doanh nghiệp không giao dịch hoặc phá sản.
“Một điểm nữa là việc truy thu tạo áp lực và gánh nặng cho ngân hàng trong việc kê khai điều chỉnh thuế. Truy thu thuế, tiền phạt cũng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và ngân hàng trong bối cảnh dịch COVID19. Các tổ chức tín dụng nếu không thu được của doanh nghiệp cũng phải tự bỏ tiền để thanh toán hoàn thuế... cũng ảnh hưởng đến doanh thu” - ông Nguyễn Xuân Bắc nhận định .
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bắc, cơ sở thực tiễn thì ngay khi nhận được phản án của Hiệp hội ngân hàng, thống đốc chỉ đạo các cơ quan liên quan tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế. Trong thời gian đó các ngân hàng nước ngoài cũng phản ánh với NHNH về việc trước đây không phải nộp bây giờ phải nộp có ảnh hưởng đến tính ổn định chính sách hay không.
Theo kinh nghiệm quốc tế, theo thông lệ, phần lớn không áp dụng thuế GTGT đối với hoạt động L/C như UK, Malaysia, Australia… Một số nước có tính thuế trực thu với hoạt động L/C như Thái Lan, Trung Quốc. Bangladesh thu VAT với L/C nhập khẩu chứ không thu thuế với L/C xuất khẩu.
Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, do đó nếu bây giờ áp dụng thì ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của quốc gia. Đề nghị các Bộ ngành ngồi lại tìm hướng tháo gỡ thuận lợi nhất để tham mưu lên Chính phủ để giải quyết triệt để vấn đề này thông qua giải pháp giải quyết hài hòa lợi ích của các bên.
Chung quan điểm đó, bà Trúc Nguyễn, đại diện cho Nhóm Công tác các Ngân hàng nước ngoài, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng kiến nghị thêm: Không áp dụng thuế GTGT trên dịch vụ thư tín dụng, phương thức này phù hợp thông lệ quốc tế được áp dụng trên thế giới hiện nay. 34/37 quốc gia trong khu vực OECD đều không tính thuế GTGT trên thư tín dụng. Không đánh thuế phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Nó cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, định hướng chiến lược phát triển kinh tế hiện nay.
Hơn nữa, theo bà Trúc Nguyễn đối với NSNN, thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng gì về tổng quan, vì thuế GTGT đầu vào và đầu ra trên nguyên tắc cần trừ đầu vào đầu ra do đó tạo ra một loại thuế sẽ là gánh nặng cho ngành ngân hàng và toàn ngành kinh tế.