“Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam" 

(ĐCSVN) - Tọa đàm tập trung bàn về hệ thống phúc lợi xã hội cho công nhân viên chức, người lao động để có căn cứ tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm lo cho sự phát triển con người trong giai đoạn mới.

 

Chiều 18/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam".

Phát biểu tại Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng  LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, tọa đàm tập trung bàn về hệ thống phúc lợi xã hội cho công nhân viên chức, người lao động, bao gồm các vấn đề chính như: công trình phúc lợi công cộng, nhà ở, giáo dục, y tế... để có căn cứ tham mưu cho Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm lo cho sự phát triển con người trong giai đoạn mới.

Với sứ mệnh của mình, Công đoàn Việt Nam đã và đang có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo tốt nhất chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức, người lao động. Những năm qua, Công đoàn đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm công đoàn”, “Quỹ trợ vốn” cho người lao động, chương trình sử dụng thẻ đoàn viên hưởng các ưu đãi giảm giá, nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn…góp phần tháo gỡ những khó khăn, vấn đề bức xúc cho công nhân các khu công nghiệp.

 Quang cảnh tọa đàm khoa học “Phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động và vai trò của Công đoàn Việt Nam"

"Một trong những vấn đề nổi cộm là nhà ở xã hội. Thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại các thành phố lớn đã được triển khai, thực hiện dưới nhiều hình thức như bán, cho thuê, cho thuê mua. Đây là một chủ trương đúng đắn nhưng đến nay, việc đầu tư phát triển loại hình nhà ở này vẫn còn khá chậm bởi những khó khăn về nguồn vốn, ưu đãi thu hút đầu tư, những vướng mắc trong việc bố trí quỹ đất khi phát triển các dự án nhà thương mại, khu đô thị mới. Dự kiến cuối tuần sau, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện đề án mang lại những công trình phúc lợi thiết thực cho công nhân viên, người lao động, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Khang, vấn đề chăm lo phúc lợi xã hội cho công nhân, viên chức, người lao động cần được nghiên cứu sâu, nhất là các hình thức phúc lợi xã hội và nguồn lực thực hiện. Bên cạnh nguồn lực của nhà nước cần nghiên cứu đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo phúc lợi xã hội cho xã hội nói chung và công nhân, viên chức, người lao động nói riêng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, phúc lợi xã hội trong đó bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột cơ bản làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước. Phúc lợi xã hội góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Quỹ phúc lợi xã hội trong đó có quỹ bảo hiểm xã hội là nguồn thu tài chính tập trung khá lớn, được sử dụng để chi trả cho người lao động và gia đình họ.

Công đoàn Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc chăm lo phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp lao động bao gồm công nhân, viên chức, người lao động trên tất cả các phương diện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các cấp công đoàn luôn coi trọng và dành nhiều sự quan tâm công tác nữ công, đề xuất chính sách cán bộ nữ, thúc đẩy bình đẵng giới, chăm lo lợi ích chính đáng của lao động nữ, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá.

Để nâng cao phúc lợi xã hội,  hệ thống Công đoàn Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm; đổi mới cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, chú trọng các giải pháp tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững, ông Lợi gợi ý.

Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, thời gian tới, công đoàn các cấp cần thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội; tăng cường huy động nguồn lực và phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước để nâng cao phúc lợi xã hội và phát triển đa dạng hệ thống các dịch vụ xã hội cơ bản; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng để thực hiện tốt an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

 
Minh Châu
409 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1087
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1087
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87123527