“Mùa xuân Ả rập” – 7 năm nhìn lại và những điều rút ra đối với thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 

“Mùa xuân Ả-rập” khởi nguồn từ Tuy-ni-di, một đất nước ở cực Bắc châu Phi, sau đó với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội đã nhanh chóng tràn qua các nước Ả-rập khác, như: An-giê-ry, Ai Cập, Y-ê-men, Gióoc-đan, Mô-ri-ta-ni, Ả-rập -xê - út, Ô-man, Xu-đăng, Xy-ry, I-rắc, Li-bi và Ma - rốc. Từ Châu Phi đôi cánh của “Mùa xuân Ả - rập” mang theo khẩu hiệu “cải cách”, “dân chủ”… bay đến Châu Âu mà điển hình thành công là ở đất nước Uc-rai-na xinh đẹp (một biến thể của “Mùa xuân Ả-rập”). “Mùa xuân Ả-rập” được xem là các biến động chính trị - xã hội mạnh mẽ đã đi qua nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông, nhưng kịch tính nhất, quyết liệt nhất là ở 5 quốc gia, gồm Tuy-ni-di, Ai Cập, Y-ê-men, Li-bi và Xy-ri.

Đây là một phong trào mang bản chất cách mạng xã hội, bởi lẽ “Mùa xuân Ả-rập” đến với quốc gia nào thì hầu hết chính quyền của quốc gia đó đều bị lật đổ

Trước sức ép của làn sóng “phản kháng phi bạo lực” dữ dội, Tổng thống Tuy-ni-di, ông Ben A-li đã phải cùng gia đình rời bỏ đất nước ra đi vào ngày 14-01-2011; ở Y-ê-men, Tổng thống A-li Áp-đu-la Xa-lê rời đất nước sang Mỹ với lý do "chữa bệnh" và trao lại quyền điều hành đất nước cho cấp phó của ông vào ngày 23-01-2011; ở Ai Cập, Tổng thống Hô-xni Mu-ba-rắc buộc phải chấp nhận trao quyền lại cho Hội đồng quân sự tối cao vào ngày 11-02-2011. Tất cả các cuộc chuyển giao quyền lực bắt buộc đó diễn ra trước sức ép của các cuộc biểu tình đường phố vào mùa xuân năm 2011. (Vì thế mà người ta gọi các biến động chính trị - xã hội xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông là “Mùa xuân Ả-rập”).   

Tại Li-bi, các cuộc bạo động chính trị bùng phát từ đầu năm 2011 đã dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu với kết cục là sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, khiến cựu Tổng thống Mu-am-ma Ca-đa-phi bị bắt và bị giết tại tại thành phố quê hương Xơ – tê (Sirte) vào ngày 20-10-2011.

Ở Xy-ri, phong trào “phản kháng phi bạo lực” bùng phát từ ngày 17-3-2011, nay đã biến thành cuộc nội chiến nhằm hạ bệ Tổng thống Ba-xa An Át-xát. Chính quyền của Tổng thống Ba-xa An Át-xát tuy giành được sự ủng hộ của quân đội và tình hình hiện nay tạm lắng, nhưng cuộc nội chiến kéo dài hơn 7 năm. Đến nay mới bước đầu ổn định.

Qua diễn biến các biến động chính trị - xã hội ở các nước Bắc Phi và Trung Đông 7 năm qua, có thể thấy bản chất của hiện tượng mang tên “Mùa xuân Ả-rập” là cách mạng xã hội, vì đều nhằm lật đổ chế độ chính trị cầm quyền để thiết lập một chế độ chính trị mới. Nhưng cuộc cách mạng xã hội này đã bị một số thế lực bên ngoài lợi dụng để phục vụ các mục đích địa - chính trị của mình.

Trước khi diễn ra các biến động mang tên “Mùa xuân Ả-rập”, chính phủ các nước châu Phi và Trung Đông đã từng nhận thấy những bế tắc và khó khăn về chính trị, kinh tế - xã hội trong nước như nạn thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn và sự bất bình đẳng xã hội; chính quyền ở các nước đó bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm… Những hiện tượng tiêu cực đó càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu bùng phát từ Mỹ năm 2008. Từ đó, họ đề ra “Sáng kiến cải cách dân chủ của các nước châu Phi và Trung Đông” và được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 16 của Liên đoàn các nước Ả-rập (vào thời điểm đó gồm 50 quốc gia) ở Tuy-ni-di vào ngày 22 và 23-05-2004, nhưng do bất đồng về phương thức cải cách, nên đến năm 2010 vẫn chưa được thực hiện. Do đó, tình hình khủng hoảng chính trị và kinh tế - xã hội ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông giống như một đám cỏ khô chỉ cần bén một tia lửa nhỏ châm ngòi là bùng phát thành đám cháy lớn, khó dập tắt.

Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ G.W. Bush cho công bố “Đề án Trung Đông Lớn” tại Hội nghị G8 được tổ chức ở Mỹ vào tháng 5-2004. Theo Tổng thống Mỹ G.W. Bush, cuộc chiến tranh I-rắc mở đầu giai đoạn 1 thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn” nhằm thiết lập “nhà nước dân chủ” sau khi lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống Xa-đam Hút-xen. Đề án này trên danh nghĩa là “phát triển dân chủ” nhưng thực chất là nhằm vẽ lại bản đồ của 24 quốc gia trong khu vực Trung Đông Lớn nhằm tăng cường ảnh hưởng và lợi ích địa - chính trị của Mỹ. Tại Hội nghị G8 năm 2004, Mỹ có mời lãnh đạo các nước Ả-rập tới tham dự nhưng nhiều nước không đến. Lãnh đạo nhiều nước Ả-rập, trong đó có Tổng thống Li-bi Ca-đa-phi và Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát phản đối “Đề án Trung Đông Lớn” của Mỹ vì cho đó là đề án nhằm “tái thực dân hóa châu Phi”. Giai đoạn 1 về cơ bản là thất bại do Mỹ sa lầy trong cuộc chiến ở I-rắc và phải rút quân.

 Năm 2009, sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma rút kinh nghiệm thất bại trong giai đoạn 1, chuyển sang sử dụng “quyền lực thông minh” trong chính sách đối ngoại, thiên về sử dụng biện pháp ngoại giao, kinh tế và chính trị, đồng thời chủ trương “lãnh đạo từ phía sau”, nghĩa là đứng đằng sau ủng hộ các “lực lượng cách mạng”.

Để thực hiện “Đề án Trung Đông Lớn”, Mỹ đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết như thông qua các hoạt động ngoại giao nhân dân để đào tạo các “lực lượng cách mạng nòng cốt”, huấn luyện họ cách thức sử dụng điện thoại di động và các trang mạng xã hội như “Twitter”, “Facebook”; tổ chức các cuộc hội thảo về cải cách dân chủ và mời đại diện của nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông tới tham dự. Đồng thời, thông qua các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, Mỹ đã hỗ trợ cho các lực lượng đối lập ở các nước Bắc Phi và Trung Đông.

Các cuộc bạo động chính trị đầu tiên bùng phát từ Tuy-ni-di là sự kiện châm ngòi cho các cuộc cách mạng xã hội mang tên “Mùa xuân Ả-rập” bùng phát ở nhiều nước. Trong đó nổi lên vai trò của các tổ chức phi chính phủ, các mạng xã hội và các lực lượng “cách mạng nòng cốt”, bao gồm đa số là thanh niên trí thức đã từng được huấn luyện về “công nghệ lật đổ” ở nước ngoài.

“Mùa xuân Ả-rập” đang đặt ra nhiều nguy cơ và thách thức đối với an ninh chính trị trong khu vực và thế giới.

Một là, một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc là các nước không được can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia đang bị vi phạm nghiêm trọng dựa trên danh nghĩa “can thiệp nhân đạo”, điển hình là ở Li-bi và Xy-ri.
Hai là, sự nổi lên của các tổ chức hồi giáo cực đoan theo đuổi tham vọng áp đặt mô hình quản lý của họ cho các nước hồi giáo không chỉ ở các nước Bắc Phi và Trung Đông mà có thể ở các quốc gia khác trên thế giới.

Ba là, các nước phương Tây hiện theo đuổi các mục tiêu mang tính chất tình thế, đi ngược lại chủ trương lâu dài mà họ từng tuyên bố là “chống khủng bố”, “bảo vệ quyền con người”, “phát triển tự do và dân chủ”. Ở đây thể hiện rất rõ chính sách tiêu chuẩn nước đôi rất đáng lo ngại. Thí dụ, họ làm ngơ hành động của chính phủ các nước đồng minh của phương Tây như A-rập Xê-út hay Ca-ta đàn áp các cuộc biểu tình của người dân đòi dân chủ, trong khi đó lại lên án hành động của Chính phủ Ai Cập, Li-bi hay Xi-ri chống lại các cuộc biểu tình tương tự.

Bốn là, đẩy thế giới vào cuộc tranh giành lợi ích địa - chính trị quyết liệt đối với nhiều khu vực, trước hết ở châu Phi và Trung Đông. Đây là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giống như tình hình thế giới đầu thế kỷ XX đã từng dẫn tới cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I. Vì thế, trong Thông điệp liên bang năm 2012, Tổng thống Nga V. Pu-tin dự báo trong những năm tới thế giới sẽ phải đối mặt với những thay đổi căn bản trong cục diện chính trị quốc tế, trong đó diễn ra cuộc cạnh tranh địa - chính trị quyết liệt.

 Năm là, tạo ra nguy cơ bất ổn lâu dài tại các nước mà “Mùa xuân Ả-rập” đã  đi qua, làm xói mòn các nỗ lực của cộng đồng thế giới đang chung tay góp sức giải quyết những nguy cơ và thách thức toàn cầu.

Trên thực tế, sau phong trào “Mùa xuân Ả-rập”, nhiều quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề, rơi vào tình trạng bạo loạn, khủng bố, nội chiến đẩm máu, bất ổn chính trị, thất nghiệp, đói nghèo, mâu thuẫn sắc tộc, uy tín giảm sút trên trường quốc tế… Trong đó, khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng di cư và nổi ám ảnh khủng bố không chỉ đe dọa các nước Trung Đông – Bắc Phi, mà còn lan ra cả thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Ở Ly-bi, một đất nước chịu ảnh hưởng lớn của “Mùa xuân Ả-rập”, sau 7 năm hình thành một cục diện đất nước chia rẽ nặng nề: hiện nay hai chính phủ đối lập được dựng lên, tranh giành quyền lực và khai thác dầu mỏ, đẩy đất nước vào tình trạng hổn loạn cùng cực chưa có hồi kết; tỷ lệ tội phạm tăng cao ở mức không tưởng; các cuộc đụng độ từ năm 2011 đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người, gần nửa triệu người trốn khỏi Li-bi; tình trạng kinh tế kiệt quệ với lượng xuất khẩu dầu giảm 90% kể từ năm 2011, GDP thiệt hại ước tính 200 tỷ USD.

Ở Tuy-ni-di, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Chính phủ hiện nay vẫn không cải thiện được tình hình. Mức tăng trưởng GDP chưa năm nào đạt được 3%. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2016 là 15,2% (trước “Mùa xuân Ả-rập” là 13%),  du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Tuy-ni-di không thể hồi phục bởi bất ổn xã hội và các vụ khủng bố. Người dân Tuy-ni-di lại tiếp tục xuống đường hô vang khẩu hiệu “Việc làm hay thêm một cuộc cách mạng nữa”.

Ở Ai Cập, tình trạng giá lương thực và thuế tăng cao, thâm hụt ngân sách trầm trọng; tỷ lệ thất nghiệp luôn ở 2 con số, 44% sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, chính trị xã hội luôn bất ổn bởi lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Tình hình Y-ê-men còn tồi tệ hơn bởi có sự can thiệp của một số nước Ả-rập láng giềng. Từ tháng 3-2015, liên quân 9 nước của Liên đoàn Ả-rập bắt đầu can thiệp vũ trang bằng các đợt không kích nhằm vào lực lượng Hậu – thi (Houtthi), một tổ chức phiến quân đang đấu tranh giành quyền lực do I-ran hậu thuẫn. Cuộc chiến vì quyền lực tại Y-ê-men dần phát triển thành xung đột tôn giáo giữa 2 dòng Hồi giáo Si-ai và Xăn-ni. Tình trạng đói nghèo là nét phổ biến hiện nay ở quốc gia này. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2016, có 45% người dân Y-ê-men đang trong tình trạng cần trợ cấp lương thực khẩn cấp.

Ở Xy-ri, tình hình chính trị hiện nay tạm ổn, nhưng nền hòa bình của đất nước này cũng chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.

Điều đáng lo ngại là  “Mùa xuân Ả-rập” sẽ không dừng lại ở các nước Bắc Phi và Trung Đông. Vì thế, ngay sau khi cuộc chiến Li-bi kết thúc, Thượng nghị sỹ Mỹ Giôn Mác-kên từng cảnh báo, “Mùa xuân Ả-rập” sẽ “gõ cửa” Xy-ri, I-ran, các nước Trung Á, thậm chí cả Nga và Trung Quốc. Theo giới phân tích, “Mùa xuân Ả-rập” ở Bắc Phi - Trung Đông chỉ là “ngòi nổ”, còn “quả bom chủ yếu” sẽ được kích nổ tại khu vực gần Nga và Trung Quốc. Ở Nga, từ cuối năm 2011 tới đầu năm 2012, “Mùa xuân Ả-rập” đã biến thành “mùa tuyết trắng” dưới hình thức phong trào “phản kháng phi bạo lực” nhằm tẩy chay cuộc bầu cử Đu-ma quốc gia Nga và bầu cử Tổng thống Nga, nhưng đã không thành. Đáng lo ngại hơn, một khi thực hiện thành công “Mùa xuân Ả-rập” ở Trung Đông và Bắc Phi, một số thế lực ở phương Tây sẽ tập trung mũi nhọn của chủ nghĩa hồi giáo cực đoan nhằm vào nhiều nơi trên thế giới, trước hết là Nga - nơi có hơn 20 triệu người theo đạo Hồi. Gần 30 năm qua, nước Nga đã phải đương đầu với chủ nghĩa hồi giáo cực đoan ở Bắc Cáp-ca, Đa-ge-xtan, Che-xni-a.

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, giai đoạn của những biến động lớn mang tên “Mùa xuân Ả-rập” nằm trong chủ trương đầy tham vọng của các nước phương Tây “vẽ lại bản đồ” Trung Đông Lớn, được thể hiện rất rõ sau khi công bố "Map Peters" trong tạp chí “Armed Forces Journal” của quân đội Mỹ. Khi xem bản đồ này không khó khăn lắm để có thể đoán nhận ra ý tưởng của người vẽ ra nó: Nga và Trung Quốc sẽ bị đẩy ra khỏi Địa Trung Hải và Trung Đông; Nga sẽ bị tách khỏi Nam vùng Cáp-ca và Trung Á; còn Trung Quốc sẽ mất đi một nguồn cung cấp năng lượng có ý nghĩa chiến lược. "Đề án Trung Đông Lớn" sẽ hoàn toàn loại bỏ triển vọng phát triển hoà bình và ổn định đối với nhiều nước trong khu vực địa lý quan trọng này của thế giới.

Những điều rút ra từ “Mùa xuân Ả-rập” đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Từ thực tiễn của “Mùa xuân Ả-rập” và những diễn biến, ảnh hưởng của nó đối với thế giới hiện nay,  có thể rút ra những điều quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa:

- Thực hiện triệt để tư tưởng dân là gốc (dân vi bản), đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng.

- Tập trung phát triển kinh tế - xã hội; tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, thực hiện bình đẳng và công bằng xã hội.

  - Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức.

- Quản lý tốt thông tin mạng.

- Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phản bác các luận điệu xuyên tạc gắn với việc giải quyết hiệu quả những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, nhất là những vấn đề mà các tầng lớp nhân dân bức xúc.

  - Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, trong đó nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quy luật quan hệ chính trị quốc tế, nhất là quy luật quan hệ các nước trên trường quốc tế là quan hệ lợi ích.

Đây là những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành tựu đạt được trong hơn 30 năm đổi mới đất nước càng khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là hết sức đúng đắn, khoa học và sáng tạo: ổn định chính trị được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của nhân dân ngày được cải thiện; đối ngoại ngày càng được mở rộng, vị thế thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.

Tuy vậy, chúng ta đang tiến hành sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình mới, khi mà các thách thức truyền thống, phi truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề, tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp, khó lường; cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang tạo ra những thuận lợi và thách thức đan xen. Sự phân cực thế giới chưa có ranh giới rõ rang. Mặc dù hòa bình, hợp tác phát triển là xu hướng chủ đạo, nhưng các nước lớn là vẫn đang chi phối trật tự thế giới; cạnh tranh địa - chính trị, tranh chấp lãnh hải diễn ra gay gắt…

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII dự báo: “Trong thời gian tới, tình hình quốc tế tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước lớn tại Biển Đông…”.

Nhiều chuyên gia dự báo, các cuộc bạo động chính trị tương tự ở Bắc Phi và Trung Đông có thể bùng phát ở Ban Căng, Trung Á và một số khu vực trên thế giới trong một cuộc cạnh tranh về địa – chính trị kéo dài và gay gắt trong những thập kỷ tới, liên quan tới cuộc chiến giành giật tài nguyên và năng lượng trên phạm vi toàn cầu. Đây là “Bàn cờ lớn” trong thế kỷ XXI (Nhận định của ông Brê-din-xki – nguyên cố vấn của Tổng thống Mỹ Ba-rắc-Ô-ba-ma)./. Phan Văn Lãn

 

3399 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1121
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1121
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76390469