Quang cảnh buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm tập trung vào các nội dung sau:

Khái quát những đổi mới quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập (1930) đến nay (2018).

- Những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng năm 2017: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4,5,6 (khóa XII), đặc biệt là công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng chỉnh đốn Đảng.

Tham gia trả lời buổi tọa đàm có các đồng chí:

1- Đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương

2 - Đồng chí Phạm Đình Đảng (Nhị Lê), Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

3 - Đồng chí Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trân trọng giới thiệu nội dung buổi tọa đàm đến độc giả:

Nhà báo Minh Châu đặt câu hỏi tới các vị khách mời

Nhà báo Minh Châu: Xin được bắt đầu buổi tọa đàm với câu hỏi đầu tiên dành cho đồng chí Hà Đăng

Thưa đồng chí Hà Đăng, kỷ niệm 88 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí có thể điểm lại những dấu mốc lịch sử trong chặng đường 88 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng ta? 

Đồng chí Hà Đăng: Trước hết, đó là dấu mốc lịch sử về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh dài lâu của cách mạng Việt Nam, nếu kể từ lúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trực tiếp hơn nữa là chuẩn bị thành lập Đảng với việc Bác Hồ sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội vào năm 1925 và thông qua tổ chức cách mạng này mà đào tạo thế hệ những người Cộng sản đầu tiên của nước ta. Công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đã chủ trì hội nghị hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản và Đông Dương Cộng sản liên đoàn, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Từ đó trở đi, nay đã 88 năm, Đảng ta luôn giữ vững ngọn cờ lãnh đạo Cách mạng Việt Nam và đã giành được những thắng lợi to lớn qua các thời kỳ.

Thứ hai, thành tựu của ba cao trào cách mạng: Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931; phong trào cách mạng dân chủ Đông Dương 1936 - 1939, khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc, mở đầu bằng Hội nghị lần thứ tám của Đảng và việc thành lập Mặt trận Việt Minh vào năm 1941 cho đến khởi nghĩa tháng Tám thành công năm 1945.

Đồng chí Hà Đăng trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm

Thứ ba, thành công to lớn của cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào năm 1945, đánh sập chế độ thuộc địa, nửa thực dân, nửa phong kiến và chính quyền phong kiến mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta - Kỷ nguyên độc lập tự do, do nhân dân làm chủ.

Thứ tư, thắng lợi chưa từng có của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ cứu nước ròng rã gần 30 năm trời, đánh thắng hai đế quốc to, làm phá sản cả chế độ thực dân cũ lẫn chủ nghĩa thực dân mới, mở đường để nhân dân ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thứ năm, đó là thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, mở đầu bằng đường lối đổi mới toàn dân do Đại hội VI của Đảng đề ra năm 1986. Từ đó đến nay đã 32 năm. Với thẳng lợi có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, bộ mặt của dất nước và dân tộc ta đã có nhiều thay đổi rất cơ bản. Vị thế của đất nước và dân tộc ta trên trường quốc tế ngày càng cao.

Nhà báo Minh Châu: Riêng năm 2017 vừa qua, công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đóng góp vào thành tích chung ấy, công tác tư tưởng có vai trò như thế nào, thưa đồng chí Hà Đăng?

Đồng chí Hà Đăng: Công tác tư tưởng luôn phải đi trước, đi cùng và đi sau các phong trào thi đua yêu nước. Đi trước là nói đến vai trò của lý luận, của những dự báo. Đi cùng là nói đến việc làm thông suốt tư tưởng trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đồng thời phát hiện ra sai sót để bổ sung kịp thời. Đi sau là nói đến vai trò của sơ kết và tổng kết, rút kinh nghiệm, để phục vụ việc xây dựng các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo của Đảng tốt hơn trước.

Đồng chí Hà Đăng trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm

Xét về các phương diện đó, công tác tư tưởng làm tốt và có những cống hiến quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là công lao của đội ngũ đông đảo những người làm công tác tư tưởng, cả ở Trung ương và địa phương, từ công tác nghiên cứu lý luận đến tư tưởng cụ thể. Cùng với đó phải nói đến vai trò của đội ngũ báo chí nói chung.

Dẫu sao, bên cạnh những ưu điểm, tiến bộ, vẫn còn những khuyết điểm, yếu kém và bất cập. Đó là công tác tư tưởng còn thiếu tính chiến đấu, tính thuyết phục. Công tác lý luận bên cạnh những thành công, cũng còn nhiều bất cập trong việc làm sáng tỏ đường lối đổi mới và những vấn đề lý luận cần giải đáp.

Nhà báo Minh Châu: Cùng với công tác tư tưởng, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có những dấu mốc gì nổi bật trong năm, thưa đồng chí Hà Quốc Trị?

Đồng chí Hà Quốc Trị: Trong năm 2017, công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định rõ, trước hết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phần kiểm tra, giám sát, trọng tâm là công tác kiểm tra đảng viên và giám sát đối với cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Đây là một nội dung trọng tâm của Ủy ban Kiểm tra các cấp.

Đồng chí Hà Quốc Trị trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm

Việc đầu tiên xác định được mục tiêu và trong quá trình tổ chức thực hiện, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát cho hằng năm. Cụ thể đã giao nhiệm vụ rõ ràng cho các vụ, đơn vị trong cơ quan. Trong quá trình thực hiện kế hoạch đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định tập trung vào các đảng viên và tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, công tác cán bộ…

Trong năm 2017, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 13 tổ chức đảng và 25 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó là các nội dung, nhiệm vụ khác thực hiện toàn diện. Qua kiểm tra đã xử lý được một số đối tượng vi phạm và đã được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên và nhân dân được biết.

Nhà báo Minh Châu: Thưa đồng chí Phạm Đình Đảng, kết quả đạt được là khá toàn diện, vậy tại sao Đảng lại đặt ra những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay? Và cụ thể những vấn đề đó là gì?

Đồng chí Phạm Đình Đảng: Trước hết chúng ta đều biết, công cuộc đổi mới của chúng ta đã đi một chặng rất quan trọng sau hơn 30 năm với những thành tựu hết sức có ý nghĩa. Trong việc lãnh đạo công cuộc đổi mới đang đặt ra những vấn đề rất cấp bách. Trước hết, công cuộc đổi mới của chúng ta đặt dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng đặt trong một bối cảnh thế giới biến động rất phức tạp. Chính bối cảnh thế giới đó đã đồng thời đặt ra trước Đảng xứ mệnh cầm quyền rất mới mẻ.

Đồng chí Phạm Đình Đảng trả lời câu hỏi tại buổi tọa đàm


Cùng với đó, công cuộc đổi mới của chúng ta bước sang nhịp thứ hai tức là từ công cuộc đổi mới toàn diện sang công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ cả về quy mô, tính chất, mức độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới trong thời đại ngày nay đã đặt ra những trọng trách mới.

Có thể nói, chưa bao giờ như bây giờ, trọng trách cầm quyền, năng lực, hiệu quả cầm quyền, chất lượng cầm quyền, uy tín cầm quyền của Đảng ta lại đặt ra trước Đảng ta những thách thức mới trong tiến trình lãnh đạo công cuộc đổi mới. Cùng với những thành tựu đạt được rất quan trọng nhưng trong bản thân Đảng ta, bản thân công tác xây dựng Đảng cũng đặt ra những vấn đề không thể không xem xét, không thể không chỉnh đốn để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, là người đứng mũi chịu xào trước dân tộc.

Chúng ta đều biết, nước ta hội nhập sâu với thế giới một cách toàn diện, Đảng ta gánh vác nhiệm vụ trước dân tộc ngày càng nặng nề. Công việc của Đảng theo đó cũng hết sức to lớn. Một bộ phận cán bộ đảng viên, trong đó có cán bộ cao cấp đã tỏ rõ không xứng đáng là đứa con trung thành của nhân dân lao động Việt Nam, không xứng đáng là đội quân tiên phong của dân tộc đã đặt ra trước Đảng những thách thức mới.

Thứ hai, hoạt động của một số tổ chức đảng cũng đặt cho chúng ta xem xét, không chỉ là nguyên tắc mà cả vấn đề cơ chế vận hành.

Thứ ba, đặc biệt công tác tư tưởng, đạo đức trong Đảng, trong cơ chế thị trường, trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra cho chúng ta những câu hỏi không dễ trả lời một sớm một chiều.

Và những điều tôi nói vừa rồi đã qua nhiều lần xây dựng, chỉnh đốn. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là sự tích tụ những khuyết điểm, hạn chế của toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Cho nên vấn đề đặt ra đã trở thành cấp bách và đã trở thành cấp bách thì không thể không giải quyết nếu chúng ta muốn tiến lên.

Các đại biểu trò chuyện tại buổi tọa đàm

Từ 5 năm qua, chúng ta thấy rõ nỗ lực của toàn Đảng, sự ủng hộ của toàn dân để thực sự tham gia xây dựng Đảng, để Đảng xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, vừa là người đồng chí đối với bạn bè và các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Chính điều đó đặt ra cho chúng ta những việc không thể không làm mang tính cấp bách. Vậy cấp bách ở đây là gì? Không xử lý thì sẽ nguy cơ tổn hại tới vị thế cầm quyền của Đảng. Không giải quyết, Đảng không xứng đáng là đội quân tiên phong của dân tộc, của đất nước và không xứng đáng là người con thật trung thành của nhân dân. Chính vì như thế, tất cả những điều đó đã đặt cho chúng ta một vấn đề không thể không làm.

Nhà báo Minh Châu: Thưa đồng chí Hà Quốc Trị, năm 2017 công tác phòng, chống tham nhũng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong năm, một số cán bộ đảng viên cấp cao vi phạm khuyết điểm đã bị kỷ luật.

Có ý kiến cho rằng, chưa bao giờ quyết tâm của Đảng làm trong sạch bộ máy cán bộ lại được thể hiện rõ nét và mạnh mẽ như thời gian gần đây. Đồng chí có đồng tình với nhận định này không?

Đồng chí Hà Quốc Trị trả lời câu hỏi về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017

Đồng chí Hà Quốc Trị: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, và việc này được làm thường xuyên. Năm 2017 công tác kiểm tra, giám sát đã kiểm tra, xử lý được một số đồng chí cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp. Điều đó đã đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo từng nhiệm vụ, từng thời kỳ mà mỗi thời kỳ nó lại đặt ra những yêu cầu riêng, nhất là yêu cầu về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đến một thời điểm những sai phạm đã rõ, đã được thể hiện trước yêu cầu của công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận định rõ về tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên.

Trước đây, nhiều người vẫn nói vậy “một bộ phận không nhỏ cán bộ đang suy thoái” đó đang nằm ở đâu? Nếu Nghị quyết Trung ương 4 nhận định như vậy mà không chỉ ra được thì đó là nhận định sai, xuất phát từ tình hình đó, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung nắm tình hình và chủ động phát hiện những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là một số đơn vị, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Rõ ràng, qua sàng lọc, phân tích, qua đánh giá, qua dư luận, qua báo chí lựa chọn cán bộ kiểm tra đã chọn đúng và trúng, kết quả vừa rồi đã khẳng định nhận định của Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng là chính xác, là phản ánh đúng tình hình vi phạm của cán bộ, đảng viên và đã đến lúc các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xem xét và xử lý. Điều đó là cấn thiết, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay và đáp ứng được lòng mong mỏi của quần chúng nhân dân.

Nhà báo Minh Châu: Thời gian qua, có những cán bộ lãnh đạo đến khi về hưu hoặc khi bị phanh phui mới thấy việc kê khai tài sản vẫn còn nhiều lỗ hổng. Quy định 85 về giám sát kê khai tài sản cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã khắc phục những hạn chế này như thế nào, thưa đồng chí Hà Quốc Trị?

Đồng chí Hà Quốc Trị: Trước đây việc kê khai tài sản cũng đã có những văn bản quy định. Vừa rồi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định 85 về kiểm tra, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Đây là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Cụ thể khi xây dựng Quy định làm rõ khi nào cán bộ, đảng viên phải kê khai tài sản, trước hết là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý.

 
Đồng chí Hà Quốc Trị chia sẻ Quy định 85 của Bộ Chính trị
về kiểm tra, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên

Thứ hai là khi kê khai như vậy thì khi nào Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nếu phát hiện sai phạm sẽ kiểm tra, xem xét kết luận và xử lý. Việc kiểm tra trước đây đã có những văn bản quy định nhưng lần này trong Đảng có quy định riêng, qua đó để cán bộ, đảng viên có trách nhiệm kê khai, phải kê khai đầy đủ, trung thực các tài sản theo quy định. 

Quan trọng hơn cả là khi cán bộ, đảng viên không thực hiện thì Quy định này là căn cứ để Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng xem xét xử lý.

Nhà báo Minh Châu: Việc luân chuyển cũng là cơ hội để cán bộ trẻ được thử thách, rèn luyện nhưng có không ít những cán bộ luân chuyển không đủ thời gian đã được bổ nhiệm vị trí cao hơn trong khi lại thiếu các tiêu chuẩn. Đồng chí Phạm Đình Đảng có bình luận gì về vấn đề này?

 

Nhà báo Minh Châu đặt câu hỏi tới đồng chí Phạm Đình Đảng

Đồng chí Phạm Đình Đảng: Kỳ thực việc luân chuyển cán bộ là việc làm thường xuyên của Đảng ta, từ khi thành lập đến nay. Từ xa xưa ông cha ta cũng đã hết sức coi trọng vấn đề này, đó là chế độ “Luân quan” và đã có những thể chế hết sức ngặt nghèo về chuyện này.

Gần đây nếu nhìn từ khóa IX, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đặt vấn đề luân chuyển là một đại sự và từ đó đến nay trong 3 nhiệm kỳ 15 năm qua chúng ta đã đạt được không ít thành tích rất quan trọng trên phương diện này. Nhưng càng ngày vấn đề luân chuyển cán bộ, đặc biệt là cán bộ trẻ đã đặt ra những vấn đề không thể không suy nghĩ. Vì sao có nhiều loại cán bộ được luân chuyển như thế, đó là do yêu cầu của cách mạng, về nhiệm vụ chính trị, yêu cầu về rèn luyện cán bộ để có thể giữ những trọng trách cao hơn khi thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ.

Chính những sơ sở thậm chí những lệch lạc của không ít những cán bộ được luân chuyển đã tạo cho công tác luân chuyển cán bộ trẻ nói riêng và công tác luân chuyển cán bộ của Đảng nói chung những vấn đề không thể không suy nghĩ. Có “chạy” không? “Chạy luân chuyển” không? “Có”, có hiện tượng “chạy các thủ tục, các tiêu chuẩn để hoàn tất thủ tục không”? Không thể nói là không? Tổng Bí thư đã có lần nói là “chạy ai”, “ai chạy”. Tất cả những điều đó đã làm chúng ta không thể không suy nghĩ. Một công việc rất quan trọng, rất tốt đẹp đã làm cho bị méo mó đi.

Điều đặc biệt tôi muốn nói là có một số cán bộ trẻ của chúng ta thuộc diện luân chuyển đã biến luân chuyển thành cái thứ “chuồn chuồn đạp nước”, “cưỡi ngựa xem hoa”, “mặc cho mình cái áo mới” để tìm tòi cơ hội thăng tiến, chính điều đó làm cho công tác luân chuyển của Đảng gặp khó khăn.

Thứ hai, cũng phải thẳng thắn thừa nhận những người trọng trách giữ công tác cán bộ ở các cấp của Đảng, người này, người kia, bộ phận này, bộ phận khác đã buông tay thước làm cho kỷ cương của Đảng lỏng lẻo, làm cho công tác luân chuyển cán bộ của Đảng “xộc xệch”. Có rất nhiều cán bộ trẻ của Đảng thành công sau những cuộc luân chuyển, nhưng cũng có cán bộ trẻ đã trở lên cơ hội và họ đã đạt được mục tiêu của họ.

Điều đó đã làm tổn hại đến thanh danh của Đảng, làm tổn hại đến tổ chức và đặc biệt làm mất niềm tin trong nhân dân. Thế cho nên vấn đề cấp bách hiện nay là chuẩn hóa và mới đây Bộ Chính trị đã ký ban hành một Quyết định mới về chế độ luân chuyển về thời hạn, về tiêu chuẩn, về đối tượng mà chúng ta phải thực hiện nghiêm, mà chính quyết định mới này đã khắc phục những tồn tại, những hạn chế có từ 3 khóa trước và đặc biệt là trên cơ sở nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cách mạng để chúng ta thực hiện luân chuyển, đây cũng là kế sách thực hiện lâu dài lo cho đội ngũ cán bộ tương lai của Đảng.

Đồng chí Phạm Đình Đảng trả lời câu hỏi về công tác luân chuyển cán bộ

Nhà báo Minh Châu: Thưa đồng chí Hà Đăng, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta cũng không tránh khỏi những sai lầm, khuyết điểm. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tiến hành chỉnh đốn Đảng từ rất sớm. Đồng chí có bình luận như thế nào về việc làm này?

Đồng chí Hà Đăng: Đúng là bác Hồ và Đảng ta đã đặt vấn đề chỉnh đốn Đảng từ rất sớm. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947 tuy không nói chút nào về “chỉnh đốn Đảng” nhưng nội dung thật sự là chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là tự phê bình và phê bình. Bác viết: Đảng ta hy sinh tranh đấu, đoàn kết lãnh đạo nhân dân, giành lại thống nhất và độc lập. Công việc đã có kết quả vẻ vang. Nhưng nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng luôn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to lớn hơn nữa… Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình.Hễ khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới phát triển, công việc mới thành công.

Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng.Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó.Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Trong Di chúc để lại (1969), Bác viết: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và chi bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Theo tư tưởng Bác Hồ, Đảng ta, từ những năm tháng trong kháng chiến đã mở nhiều cuộc chỉnh huấn, chỉnh đảng. Từ Đại hội II của Đảng (1951) trở đi, trong mỗi Đại hội, bên cạnh báo cáo chính trị, luôn có báo cáo chuyên đề về xây dựng Đảng, trong đó có hàm ý chỉnh đốn.

Đồng chí Hà Đăng bình luận về quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
và Đảng ta về chỉnh đốn Đảng

Đến Đại hội VI của Đảng, với đường lối đổi mới toàn diện, Đảng coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.Các Đại hội sau, từ VII trở đi cho đến nay, Đại hội XII, vẫn kiên trì coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) chỉ rõ 4 nguy cơ: Tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; diễn biến hòa bình và tệ quan liêu, tham nhũng. Trong 4 nguy cơ đó, có 3 nguy cơ sau có liên quan trực tiếp đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đặc biệt nhất, các Nghị quyết Đại hội XI (2011) và XII (2016) của Đảng, được cụ thể hóa bằng hai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Trung ương 4 (khóa XII), đã nêu lên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cùng với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa ngăn chặn, đẩy lùi được, là một nguy cơ lớn làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Các Đại hội XI và XII của Đảng qua các chuyên đề báo cáo chính trị đều đặt lên hàng đầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tiến lên một bước, Đại hội XII của Đảng đặt thẳng vấn đề xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư ưởng, tổ chức và đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được coi là nét mới nhất cũng là đặc sắc nhất trong quan niệm về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta.

Nhà báo Minh Châu: Ngay thời điểm ấy, Đảng ta đã có những giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đó là giải pháp gì, thưa đồng chí Hà Đăng?

Đồng chí Hà Đăng: Giải pháp tổng thể được nêu trong Nghị quyết các Đại hội Đảng, trực tiếp nhất là Đại hội XII vừa qua. Những giải pháp cụ thể đã thấy rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Trong đó cần nhấn mạnh vài điểm:

Kết hợp giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng cấp bách. Trong “xây” cũng như “chống” phải hết sức coi trọng công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; có cơ chế, chính sách đúng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

 

Đồng chí Hà Đăng trả lời câu hỏi về những giải pháp
 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng

 

Việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết phải hết sức kiên quyết, nói đi đôi với làm, không nói nhiều làm ít hoặc nói khác, làm khác. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với xử lý kỷ luật; những vụ vi phạm nghiêm trọng thì nhất định phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc, có đau cũng phải làm, vì trị một vài người để cứu muôn người; chống tham nhũng thì lò nung phải nóng lên để cả củi khô và củi ướt đều cháy.

Nói “chống” phải đi đôi với “xây”, cho nên trong lúc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, phải đồng thời coi trọng các phong trào “Học tập tư tưởng Hồ  Chí Minh” (Hội nghị Trung ương 6, khóa VIII), “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Đại hội X và XI) và hiện nay là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Đại hội XII).

Tiếp tục cập nhật...