“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946) - Lời hịch non sông, tiếng vọng của lịch sử 

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, hiệu triệu đồng bào cả nước nhất tề đứng lên đánh quân xâm lược. Đây là lời Hịch non sông, tiếng vọng của lịch sử và là mạch nguồn xuyên suốt khẳng định khát vọng hòa bình và ý chí, quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam, tuy nhiên, lúc này đất nước ta cũng đứng trước muôn vàn khó khăn của “thù trong”, “giặc ngoài” đẩy nước ta vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình thế đó, ngày 4-9-1945, Chính phủ ra sắc lệnh xây dựng “Quỹ độc lập”, phát động “Tuần lễ vàng” thu được 370kg vàng và 20.000.000 đồng Đông Dương vào “Quỹ độc lập”. Cuối tháng 11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, chỉ rõ các nhiệm vụ và phương pháp thực hiện chủ trương kháng chiến kiến quốc. Trên cơ sở những chủ trương, biện pháp được hoạch định, Đảng Cộng sản Đông Dương, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai hàng loạt các nhiệm vụ cấp bách, mà trước hết chống “giặc đói” hồi phục sức lực đã kiệt quệ của hàng triệu nông dân sau nạn đói năm 1945 và diệt trừ “giặc dốt”, xem đó là hai trong sáu nhiệm vụ cấp bách nhất của chính quyền dân chủ nhân dân.

Mặt khác, để đối phó với “giặc ngoài”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo, lợi dụng mâu thuẫn, phân hóa hàng ngũ kẻ thù. Để tránh rơi vào thế đối lập với kẻ thù “khoác áo” Đồng minh, Đảng chủ trương Hoa - Việt thân thiện, hòa hoãn với chính quyền Tưởng Giới Thạch, tập trung mũi đấu tranh chống thực dân Pháp đang tái xâm lược Nam Bộ, đồng thời vừa nhân nhượng, vừa đấu tranh ngăn chặn và dập tắt những mưu đồ phản loạn của các tổ chức phản động làm tay sai cho chính quyền Tưởng Giới Thạch. Sau Hiệp ước Hoa - Pháp (ngày 28-2-1946), ta chủ trương hòa với Pháp để đẩy nhanh quân đội của chính quyền Tưởng về nước. Ngày 6-3-1946, để tránh cho hai dân tộc Việt - Pháp đổ máu vô ích, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ với sự nhân nhượng tối đa và mở cuộc đàm phán với Chính phủ Pháp. Tuy nhiên Chính phủ Pháp đã xóa bỏ mọi cam kết và tiếp tục đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của chúng lên quy mô lớn hơn nhằm tái chiếm Đông Dương. Thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam, của Trung ương và Chính phủ Hồ Chí Minh tiếp tục bị thách thức khi thực dân Pháp phớt lờ Tạm ước Việt - Pháp đã được ký ngày 14-9-1946 giữa hai chính phủ. Vì vậy, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) chủ trương phát động nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19-12-1946, đèn điện Hà Nội vụt tắt, đại bác từ pháo đài Láng bắn những phát đầu tiên, mở đầu thời kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946) được truyền đi khắp cả nước:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm!

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946

HỒ CHÍ MINH”

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã từng chứng kiến những thời khắc thiêng liêng như thế. Ở những thời khắc đó, những lời Hịch, khẳng định chủ quyền quốc gia, dân tộc đã vang lên, như: Bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi; Hịch của Quang Trung Nguyễn Huệ; “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 02/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã thuận theo dòng chảy của văn hóa yêu nước Việt Nam được hun đúc hàng nghìn năm - không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; là thông điệp truyền đời của các thế hệ người Việt Nam yêu nước mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ đã khái quát đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính mà còn là sự kết tinh truyền thống đại đoàn kết toàn, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

76 năm đã qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn giữ nguyên tính thời sự, đó là niềm tin tất thắng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, giữ vững độc lập, tự do cho Tổ quốc. Minh Huyền

589 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1144
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1144
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87025856