“Lấy dân làm gốc” – Phương pháp dân vận đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm “lấy dân làm gốc”, sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đảng ta còn chú trọng giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong nhân dân, sáng tạo nhiều hình thức tổ chức, tập hợp, thu hút đông đảo quần chúng tham gia sự nghiệp cách mạng, làm cho sự đoàn kết, đồng lòng ấy không ngừng được tăng cường vững chắc, được bổ sung những yếu tố mới, độc đáo, hiệu quả, góp phần quan trọng, quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” – nền tảng của mọi thành công cách mạng

“Lấy dân làm gốc” là một trong những tư tưởng nòng cốt trong hệ thống tư tưởng và triết lý cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay và mãi mãi học tập và làm theo.

 Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành từ sự kết tinh của truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Kế thừa tư tưởng “trọng dân”, “thân dân” theo truyền thống của dân tộc, đồng thời Hồ Chí Minh tiếp thu lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Người luôn nhấn mạnh vai trò chủ thể của nhân dân: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”[1], nên Người đặc biệt đánh giá cao vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Người nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[2]; “Dân là gốc của nước”; “Dân là quý nhất, là quan trọng nhất”[3]. Trong tác phẩm "Dân vận" (1949), Người cũng khẳng định: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” … và “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[4].

Bản chất phương pháp dân vận “Lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải dựa vào nhân dân, phải tôn trọng nhân dân, làm lợi cho dân vì nhân dân luôn là chủ thể và gốc rễ của mọi thành công, cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta, để nhân dân hăng hái tham gia, ủng hộ sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”, cho nên phải xem xét mọi việc để có lợi cho dân. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”[5] và “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng... chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[6]. Theo Người, muốn tập hợp, phát huy sức mạnh của quần chúng, vấn đề rất quan trọng là phải làm thế nào mà "mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng"[7]. Người nhấn mạnh: “Kinh nghiệm trong nước và các nước đã cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[8].

Gốc rễ của tư tưởng “lấy dân làm gốc” là vấn đề quan hệ máu thịt, gắn bó giữa Đảng với dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”[9] và đó là bài học xương máu của các đảng chính trị nói chung, nếu phạm vào sai lầm vừa xa dân vừa che giấu khuyết điểm. Như lãnh tụ cách mạng V.I.Lênin đã kết luận: “Tất cả các đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo ra sức mạnh của mình, vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”[10]. Vì vậy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng viên phải thường xuyên đánh giá kết quả công tác, thực hiện phê bình và tự phê bình, kịp thời nhận ra khuyết điểm, để sửa chữa sai lầm; gắn công tác phê bình với việc kiểm tra và giám sát chặt chẽ từ chương trình hành động, kế hoạch của cấp ủy đến của mỗi cán bộ, đảng viên để xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Phương pháp dân vận Hồ Chí Minh: từ trái tim đến hành động

Phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là vận động, tuyên truyền, mà là nghệ thuật “làm cho dân tin, dân hiểu, dân theo, dân ủng hộ”. Người căn dặn: “Muốn việc thành công thì phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và tin dân. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Khác với quan điểm hành chính mệnh lệnh, khô cứng, dân vận theo Hồ Chí Minh là nghệ thuật vận động bằng lý lẽ, bằng tình cảm, bằng gương mẫu của cán bộ. Phương pháp dân vận của Người có tính hệ thống, đồng thời thấm đẫm tính nhân văn: “Gần dân – Hiểu dân – Trọng dân và Tin dân”. Gần dân: Người không bao giờ coi mình cao hơn dân. Ngược lại, luôn nhấn mạnh “cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Việc đi cơ sở, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) không phải hình thức, mà là thói quen lãnh đạo sâu sát. Hiểu dân: Hiểu từ đời sống, tâm lý, nhu cầu đến hoàn cảnh cụ thể. Dân vận không thể chung chung, mà phải “vào việc” cụ thể, “nói đúng điều dân mong, làm đúng điều dân cần”. Trọng dân: Người gọi dân là “cha mẹ của cán bộ”. Trọng dân là tôn trọng ý kiến của dân, tiếp thu phản biện, và biết xin lỗi khi sai. Tin dân: Niềm tin vào dân là giá trị xuyên suốt. Người cảnh báo mọi biểu hiện nghi ngờ dân, sợ dân, xa dân đều là biểu hiện suy thoái đạo đức cách mạng.

Bác Hồ không chỉ lý luận, mà còn hành động nhất quán. Trong mọi chuyến đi, dù là ra chiến khu hay vào vùng giải phóng, Bác đều ưu tiên gặp gỡ người dân, nghe dân nói, giải đáp tận tình, sửa sai nếu thấy đúng.

Ngày nay, khi Đảng ta đang thực hiện công cuộc đổi mới lần thứ hai – đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – tư tưởng “lấy dân làm gốc” càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa sâu sắc.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải hướng đến nâng cao đời sống, phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân”.

Nghị quyết số 25-NQ/TW (2013) về công tác dân vận tiếp tục nhấn mạnh: “Tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành về trách nhiệm dân vận; dân vận phải gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở một số nơi, công tác dân vận vẫn còn hình thức, chưa thực sự gần dân, sát dân. Đó là biểu hiện đi ngược lại với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để làm tốt dân vận cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò nêu gương, chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu. cùng với đó cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: thứ nhất, cần chuyển nhận thức thành hành động. Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo công việc. Đẩy mạnh tiếp dân, đối thoại, giải quyết triệt để kiến nghị, khiếu nại. Thứ hai, Gắn dân vận với cải cách hành chính, chuyển đổi số. Dân vận phải đến với người dân qua công nghệ, qua các kênh tương tác mới như mạng xã hội, app dịch vụ công, truyền thông số...Thứ ba, Phát huy vai trò Mặt trận và đoàn thể. Đây là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Cần đầu tư thực chất, nâng cao năng lực dân vận cơ sở. Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm dân vận phải vì dân, gần dân, không quan liêu, không vô cảm. Làm đúng, làm tốt thì dân sẽ tin, sẽ nghe và sẽ ủng hộ.

Giữ vững “gốc” để xây nền vững chắc

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã thấm nhuần trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi giai đoạn cách mạng.

Muốn đổi mới bền vững – phải dựa vào dân

Muốn phát triển – phải vì dân

Muốn ổn định chính trị - phải giữ được lòng dân

Chính niềm tin, sức dân, lòng dân là yếu tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và ngày nay là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Như Bác Hồ từng nói: “Gốc có vững thì cây mới bền. Nền có chắc thì nhà mới cao. Lòng dân có thuận thì đất nước mới vững bền”. Phan Yến

 

[1] Trích Tác phẩm "Đường Cách mệnh" (1927)

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.10, tr.453

[3] Tư tưởng Nho giáo: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”

[4] Trích tác phẩm “Dân vận” (1949)

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 286

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.4, tr.64-65

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.5, tr.346

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.5, tr.335

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.5, tr.286

[10] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, t.45, tr.141

19 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 689
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 689
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 95408453