|
Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Quang Vinh) |
Trước Nghị quyết số 15/NQ-TƯ, Hà Nội đã có 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Với những nỗ lực và quyết tâm cao, Hà Nội đã đạt được các kết quả nổi bật. Đó là kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng lên. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế...
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, bên cạnh những thành quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Trong đó nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững. Chưa hoàn thành một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng Nghị quyết đã đề ra. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới…
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 15/NQ-TƯ ra đời tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng lớn lao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng như nhân dân cả nước để xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững...
Trong Nghị quyết số 15, các mục tiêu cụ thể đã được Bộ Chính trị xác định rất rõ. Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "văn hiến, văn minh, hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội phải cao hơn mức bình quân chung cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người 12.000 - 13.000 USD. Năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng sống cao, thu nhập bình quân đầu người hơn 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nghị quyết cũng chỉ ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao trùm hầu khắp các lĩnh vực để thành phố hiện thực những mục tiêu cụ thể trong giai đoạn hiện nay và tạo ra tầm nhìn, động lực cho cả giai đoạn xa hơn. Đây là cơ hội rất quan trọng trong quá trình phát triển của Hà Nội. Trong đó phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1 - 2 huyện phát triển thành quận. Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hoá tại khu vực nội đô lịch sử. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thực hiện hiệu quả việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện theo quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành; ưu tiên sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội…. Mặt khác nhiều định hướng để hình thành một đô thị hiện đại hơn cũng được xác định như phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh, không gian cộng đồng; hiện thực hóa dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, nghiên cứu sớm triển khai dự án Vành đai 5...
Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực hiện, trong đó nhấn mạnh việc “thường xuyên kiểm tra, phối hợp, giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và phát triển”. Đồng thời việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho chính quyền Hà Nội cũng nhiều lần được đề cập...
Có thể nói, những định hướng cụ thể trong Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cùng thành phố Hà Nội tiến hành những bước tiếp theo trong hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp với vị trí, vai trò đặc biệt và tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Đó cũng là thực hiện mong muốn lúc sinh thời của Bác Hồ: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là cần quán triệt văn bản quan trọng này tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo hiệu ứng lan tỏa toàn xã hội. Song song với đó, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành sớm cụ thể hóa Nghị quyết vào đời sống bằng những công việc cụ thể, trong đó mấu chốt là đưa tinh thần mới của Nghị quyết vào xây dựng, ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kế thừa các nội dung còn phù hợp của luật hiện hành và bổ sung các quy định mới để điều chỉnh những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, nhằm thực hiện thật tốt những nội dung mà Nghị quyết đã đặt ra./.