Mang kiến thức đến vùng cao biên giới
Thượng tá Nguyễn Xuân Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết: Từ năm 2014, BCH BĐBP Quảng Trị đã phát động chương trình “Nâng bước em tới trường”. Theo đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với địa phương, nhà trường tiến hành khảo sát, thống kê, lựa chọn, kịp thời bổ sung các HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ kinh phí trong học tập, mỗi cháu 500.000 đồng/tháng.
Ngay trong năm đầu phát động, đã đỡ đầu 24 cháu. Năm 2015 tăng lên 30 cháu, năm 2016 lên 71 cháu, năm 2017 lên 75 cháu, năm học 2018 - 2019 lên 80 cháu (trong đó có 9 cháu học sinh thuộc 2 tỉnh Salavan và Savannakhet nước bạn Lào). Kinh phí được hỗ trợ đến nay đã trên 1,2 tỷ đồng và chủ yếu được tiết kiệm từ tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ của CBCS của các đơn vị.
Không dừng tại đó, mô hình “Tiết học Biên giới” từ lâu cũng trở thành kênh giáo dục hiệu quả cho HS và bà con vùng biên giới. Các đơn vị trong BĐBP tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các nhà trường trên địa bàn biên giới tổ chức “Tiết học biên giới” kết hợp với hoạt động ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu về đường biên, cột mốc và hoạt động bảo vệ biên giới cho HS và thầy cô giáo. Mô hình đã tuyên truyền cho HS trong các nhà trường trên địa bàn biên giới cũng như địa bàn nội địa nắm rõ và hiểu biết, nhận thức đúng về biên giới lãnh thổ, các văn bản pháp lý về biên giới quốc gia.
Các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với BGH các trường TH, THCS, THPT để đưa mô hình “Tiết học biên giới” vào khung giờ học ở tất cả các điểm trường. Mỗi tuần những người lính quân hàm xanh đều đặn tổ chức tuyên truyền ít nhất một buổi tại một điểm trường. Và đến nay, đã tuyên truyền về biên giới, lãnh thổ… cho gần hơn 3.000 HS trên các địa bàn.
Từ hoạt động ý nghĩa, thiết thực này mỗi HS trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, bạn bè, người thân về Luật BGQG và phòng chống các loại tội phạm. Các em là những hạt nhân góp phần không nhỏ tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng với lực lượng BĐBP xây dựng biên phong toàn dân, khu vực biên giới vững mạnh.
|
Chiến sĩ biên phòng dạy chữ cho HS có hoàn cảnh khó khăn |
Tiếp sức thiết thực
“Ổ bánh mì tình thương nơi biên giới” là một trong những mô hình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người lính biên phòng Quảng Trị. Qua quá trình bám nắm tình hình địa bàn, tiếp xúc với thầy cô giáo và nhiều HS các trường tại địa bàn biên giới, những người lính nhận thấy nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải nhịn ăn sáng đến trường. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn cả kết quả học tập của các em.
Xuất phát từ thực tế này, năm 2018, Đoàn TNCS HCM BĐBP Quảng Trị đã phát động và chỉ đạo các Chi đoàn trực thuộc phối hợp với các nhà trường, tổ chức đoàn địa phương tổ chức mô hình “Ổ bánh mì tình thương nơi biên giới” nhằm hỗ trợ bánh mì sữa cho HS nghèo tại các điểm trường trên địa bàn biên giới.
Mỗi tuần các đơn vị tổ chức hỗ trợ bánh mì cho ít nhất một điểm trường. Kinh phí cho mô hình được trích từ nguồn quỹ Đoàn và sự vận động các tổ chức, nhà hảo tâm. Đến nay, mô hình đã hỗ trợ được 4.264 ổ bánh mì sữa cho HS nghèo tại các điểm trường. Mô hình góp phần chia sẻ một phần khó khăn, giúp HS có bữa điểm tâm trước khi vào học.
Thầy Hoàng Quang Cẩn - Hiệu trưởng Trường TH & THCS A Ngo huyện Đắk Krông, Quảng Trị cho biết: Trước đây khi chưa có chương trình “Ổ bánh mì tình thương nơi biên giới” của đồn biên phòng cửa khẩu La Lay, tình trạng HS bỏ học, trốn học xảy ra thường xuyên.
Kể từ khi có bữa sáng miễn phí tại các điểm trường HS đi học chăm chỉ, đầy đủ và phấn khởi. Được ăn sáng, học tới tiết 4 - 5 các em không mệt mỏi. Chất lượng giáo dục đại trà của trường đã tăng lên đáng kể. Nhà trường và các thầy cô giáo không còn vất vả trong việc vận động HS tới lớp, tình trạng HS bỏ trốn học như trước đây cơ bản được tháo gỡ.
Song song với các phong trào, thì mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” cũng được đánh giá cao về ý nghĩa nhân văn, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với đồng bào các dân tộc trên biên giới, vùng biển, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc.
Đối tượng mà mô hình hướng đến là HS dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HS mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa tại khu vực biên giới. Sự chia sẻ của các chiến sĩ biên phòng đã giúp các cháu có nơi ăn ở, được quản lý, giáo dục, được học tập và rèn luyện tại các đồn biên phòng.
Vừa qua, BĐBP Quảng Trị đã tổ chức làm điểm nhận con nuôi tại đồn BP A Vao với số lượng 9 cháu; Đồn Biên phòng Hướng Phùng 4 cháu. Thời gian từ khi nhận nuôi đến khi các cháu học xong lớp 9. Trong thời gian tới, BCH BĐBP Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai mỗi đồn BP hai tuyến nhận nuôi từ 1 - 2 cháu, tùy điều kiện có thể tăng thêm.
Nếu như các phong trào “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Tiết học biên giới”, “Ổ bánh mì tình thương nơi biên giới”, “Con nuôi đồn Biên phòng” mang ý nghĩa sâu sắc và giá trị vật chất lớn lao thì mô hình “Tay kéo Biên phòng” lại thể hiện sự quan tâm sâu sắc về tinh thần của những chiến sĩ biên phòng. Từ năm 2018 đến nay, mô hình được tổ chức và thực hiện tại các đồn Biên phòng, Hải đội 2, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động.
Mỗi đơn vị đã thành lập 1 tổ cắt tóc từ 2 - 3 đồng chí, vào thứ 5 hàng tuần tổ chức cắt tóc miễn phí cho CBCS, nhân dân và HS. Kinh phí trích từ nguồn quỹ Đoàn của các đơn vị. Địa điểm cắt tóc có thể diễn ra ngay tại đơn vị, nhà văn hóa thôn bản hoặc lưu động đến các điểm trường học trên địa bàn. Đến nay đã tổ chức cắt tóc cho 1.356 HS và người dân trên địa bàn biên giới.