Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink thắp hương tại nghĩa trang Trường Sơn
Chiều 27.8, một chiếc ôtô có cắm lá cờ Hoa Kỳ lặng lẽ rẽ vào hướng cổng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Từ trên xe, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink bước xuống và tiến vào lễ đài chính của Nghĩa trang liệt sĩ để thắp hương viếng hơn một vạn liệt sĩ hi sinh đang yên nghỉ tại đây. Sau gần 25 năm Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ, ông Kritenbrink trở thành Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên đến thắp hương cho những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Đó là hành động có ý nghĩa rất lớn, và nó được xem là biểu tượng của tinh thần hai bên cùng khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hợp tác”, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định.
Theo lịch trình đặt ra từ trước, Đại sứ Mỹ có mặt tại Nghĩa trang này chỉ trong khoảng 30 phút. Nhưng chừng đó thời gian cũng đủ để lại vô số những cảm xúc. Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink xuất hiện theo cách giản dị và gần gũi nhưng không kém phần trang trọng. Cùng với ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Đại sứ Mỹ thỉnh chín tiếng chuông bắt đầu buổi lễ như để mời anh linh các liệt sĩ về chứng giám. Trước khi bước lên tượng đài chính của nghĩa trang, Đại sứ Daniel Kritenbrink cùng đoàn Sứ quán Mỹ đã trang trọng dành 1 phút mặc niệm cho các liệt sĩ. Sau đó, Đại sứ trịnh trọng đến thắp hương lên những phần mộ liệt sĩ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam và Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink trò chuyện trên cầu Hiền Lương Ảnh: ĐSQ MỸ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam kể lại, sau khi rời Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, ông đã cùng Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đã đến thăm Di tích lịch sử quốc gia cầu Hiền Lương, bắc qua con sông lịch sử Bến Hải, nơi gợi nhớ của sự chia cắt, mất mát, đau thương một thời. Tại đây, Đại sứ Daniel Kritenbrink đã cùng đoàn Sứ quán Mỹ đi bộ từ phía Bắc qua phía Nam cầu. Ở ngay vạch chỉ phân chia ranh giới Bắc - Nam thời đất nước chia cắt hai miền, ông Hoàng Nam đã cùng Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink dừng khá lâu để bắt tay trò chuyện.
Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết thông điệp chính của chuyến thăm này là hai nước Việt Nam và Mỹ đã hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là sự hợp tác chung trong việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Những kết quả này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân Quảng Trị mà còn chính là cầu nối của người dân cũng như chính phủ hai quốc gia. “Là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi thật vui mừng khi công việc của tôi đã đưa tôi tới thăm các tỉnh, thành trên khắp Việt Nam, gặp gỡ những con người đáng mến, những người đang làm những việc tuyệt vời để kết nối nhân dân hai nước chúng ta”, Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết.
Khi được biết tỉnh Quảng Trị có ý tưởng xây dựng thị xã Quảng Trị, nơi có di tích Thành cổ Quảng Trị thành một biểu tượng hòa bình, thông qua một lễ hội hòa bình, Đại sứ Daniel Kritenbrink cho rằng đây là một ý tưởng rất tuyệt vời. Với cương vị là một đại sứ thì ông rất ủng hộ ý tưởng này. “Nếu sự kiện đó diễn ra, tôi sẽ tham dự”, Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết.
Quảng Trị phấn đấu không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025
UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) vừa tổ chức Hội thảo lần thứ 2 về Khảo sát dấu vết bom chùm. Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết, thời gian qua Quảng Trị đã triển khai có hiệu quả nhiều dự án, giảm thiểu tai nạn bom mìn, giải phóng đất đai, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động trên địa bàn và công binh quân sự tỉnh đã thực hiện 13.000 nhiệm vụ phản ứng nhanh đối với các cuộc gọi báo phát hiện bom mìn của người dân, kết quả là phá hủy an toàn trên 100.000 vật liệu nổ. Thương vong do bom mìn chưa nổ đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây.
Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Trị không ghi nhận trường hợp nào bị tai nạn bom mìn kể từ thời điểm kết thúc chiến tranh 1975. Trên cơ sở đó, Quảng Trị đang hướng đến là tỉnh đầu tiên của Việt Nam không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung, vẫn cần có những đóng góp về nguồn lực, kinh nghiệm, phương pháp, sự hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng quốc tế. K.Đ
|
KIÊN ĐỒNG