Báo cáo được công bố lần đầu tiên năm 2009, là chuỗi báo cáo được xuất bản hằng năm nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn một năm qua, đồng thời thảo luận viễn cảnh kinh tế năm tới cũng như đề xuất các chính sách liên quan. Năm 2017, Báo cáo tập trung xem xét những vấn đề liên quan tới chủ đề cải cách thế chế nhằm hướng tới một nhà nước kiến tạo.
Báo cáo kinh tế thường niên 2017 là báo cáo thứ 9 kể từ năm 2009 đến nay (Ảnh: HNV).
Thông tin khái quát về Báo cáo tại Hội thảo, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, Báo cáo được thực hiện trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có xu hướng chững lại, năng suất nền kinh tế chậm cải thiện. Xu hướng chung cho thấy, Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có năng lực cạnh tranh thấp. Do đó, Việt Nam cần thận trọng với tâm lý đạt mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá, dẫn tới nới lỏng ổn định vĩ mô và trì hoãn với cải cách. Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, thông qua việc thực thi Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Tăng cường kiểm soát chi ngân sách thông qua tinh giản biên chế nghiêm khắc, cắt giảm chi thường xuyên, đồng thời cắt giảm những khoản hỗ trợ dành cho hoạt động nhờ vào ngân sách nhà nước của khu vực hội, đoàn thể... Về dài hạn, cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn....
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo, đặt nền tảng cho những nguyên tắc căn bản của xã hội, người dân. Giải quyết các mối quan hệ lớn thông qua xây dựng và sửa đổi luật pháp.
Đề cập tới nội dung chính về Chính phủ kiến tạo, các đại biểu tham gia Hội thảo đồng tình việc xây dựng “chính phủ kiến tạo” ở Việt Nam là một bước tiến tới gần hơn bản chất của kinh tế thị trường. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, mối quan hệ giữa Đảng, với Nhà nước và xã hội cần được luật hoá nhằm cho phép Đảng tăng hiệu quả lãnh đạo và Nhà nước hiện thực hóa thông qua luật pháp. Xây dựng hệ thống tư pháp theo hướng chuyên môn hóa, tăng tính độc lập để tăng hiệu quả tư pháp, thực sự "thượng tôn pháp luật"; tăng tính kỹ trị của bộ máy hành chính nhà nước và Quốc hội...
Lê Anh