“Dân thụ hưởng” – điểm mới của phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng 

Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, lấy dân làm gốc, tính mạng của người dân là quan trọng nhất, là bài học lớn được đúc kết suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn xác định “dân là gốc” và luôn lấy dân làm gốc. Vì thế, tất cả mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đều phục vụ lợi ích của Nhân dân.

Kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, thực hiện lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung một nội dung mới quan trọng và vô cùng ý nghĩa, đó là “Dân thụ hưởng”, với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Như vậy, “Dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Điều đó càng khẳng định một điều rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình huống nào, Đảng ta luôn đặt quyền lợi của người dân vào trung tâm các quyết sách, đường lối của mình và mục đích cuối cùng là người dân được thu hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Có thể khẳng định,  trải qua một quá trình phát triển nhận thức và hành động khá dài qua nhiều giai đoạn bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã đưa ra khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”. Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cần phải xây dựng cơ chế cụ thể trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Đến năm 1998, kể từ khi có Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” thì phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới thực sự đi vào cuộc sống khi các cơ chế, quy định cụ thể để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp được ban hành. Sau hơn 20 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã đạt được những kết quả sau đây:

Thứ nhất, từng bước nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tác phong, nền nếp thực hành dân chủ XHCN ở cơ sở, đã tạo ra một không khí dân chủ cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cũng như trong toàn xã hội.

Thứ hai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thứ ba, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhiều chủ trương, chính sách nhằm mở rộng dân chủ trực tiếp trong xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở.

Thứ tư, quyền làm chủ trực tiếp của người dân được tôn trọng, mở rộng, đặc biệt là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân đầu tư cộng đồng ở khu dân cư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề thực hiện dân chủ ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, quá trình thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân chính của sự hạn chế là phương châm này vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ, dẫn đến việc hiểu và thực hiện chưa được thống nhất...

Vì vậy, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nêu rõ thành tố “dân thụ hưởng” là một điểm quan trọng. Đây chính là sự khẳng định quyền làm chủ của người dân một cách rõ ràng, cụ thể chứ không phải chỉ là chung chung. Người dân là đối tượng được thụ hưởng các thành quả của phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, tinh thần, được đảm bảo an toàn về tính mạng, con người, sức khỏe, môi trường. Họ cũng có trách nhiệm và được tạo điều kiện cần thiết để phát triển tài năng và đóng góp công sức vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước…

Một trong những bài học quan trọng rút ra từ quá trình hơn 35 năm đổi mới là: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm "dân là gốc", vì lợi ích của Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”.

Chính vì vậy, “dân hưởng thụ” đây chính là sự phát triển về chủ trương, quan điểm của Đảng, có ý nghĩa thiết thực, quan trọng về công tác tác dân vận trong Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “…trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới”.

Vì vậy, thời gian tới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng,  đảm bảo người dân được thụ hưởng một cách đúng nghĩa, chúng ta cần chú trọng những yếu tố và điều kiện sau đây:

Một là, lấy người dân làm trung tâm trong quá trình đưa ra các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo và tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng. Đặt quyền lợi, lợi ích của người dân lên trên các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích giai cấp…, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của người dân cũng như những rào cản, khó khăn, vướng mắc cần xử lý.

Hai là, để “dân thụ hưởng” thì đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy công quyền phải có năng lực tốt, tư duy hiện đại và thái độ vì dân phục vụ, tận tụy và cống hiến. Thường xuyên sâu sát, gần gũi với người dân, lắng nghe những phản hồi, góp ý để phục vụ nhân dân tốt hơn. Cán bộ, công chức phải coi người dân là người chủ, là người trả tiền lương cho mình làm việc và do đó, phải có trách nhiệm để phục vụ Nhân dân. Cần thực sự cầu thị, coi trọng ý kiến, phản ánh của người dân cũng như gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để đối thoại, tiếp thu, phản hồi và điều chỉnh một cách thường xuyên, hợp lý và thực chất.

Ba là, các cơ quan trong hệ thống chính trị cần được sắp xếp lại cho tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Cần chú ý tới cấp cơ sở, sát với người dân, bỏ bớt các tầng, nấc trung gian, nhập các cơ quan có các chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc chồng chéo. Để dân thụ hưởng thì phải có cơ chế, chế tài cụ thể. Nếu làm sai thì phải chịu trách nhiệm. Nếu gây ảnh hưởng đến lợi ích của dân thì phải bị xử lý trách nhiệm và đền bù thỏa đáng.

Bốn là, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính. Cần phải đồng bộ cả nhận thức lẫn hành động từ trên xuống dưới, nhất là từ cơ sở, và phải có cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thực chất, hiệu quả, cụ thể.

Năm là, cần phát huy quyền làm chủ của người dân, gắn quyền lợi với trách nhiệm. Khuyến khích, nâng cao nhận thức cho người dân về quyền của mình, tạo điều kiện thúc đẩy việc lắng nghe, trao đổi, đối thoại với người dân. Bên cạnh đó, cần củng cố cơ chế khiếu nại, tố cáo cho hiệu quả. Cần có hình thức trọng tài bảo vệ quyền của người dân khi bị ảnh hưởng về quyền lợi cũng như cơ chế đền bù nêu rõ trách nhiệm và ràng buộc những cá nhân, cơ quan làm sai phải chịu trách nhiệm đền bù cho người bị ảnh hưởng một cách thỏa đáng./. Tân Linh

 

3114 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 323
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 323
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88681346