Tuy nhiên, sau hơn một năm phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy “nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước. Do đó mà có những khuyết điểm như sau: Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ từ trước đến giờ ta vẫn ǎn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ǎn, mặc, ở cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy". Điều này dẫn đến một số khuyết điểm như cho rằng thi đua chỉ mang tính nhất thời, không có sự phối hợp, trao đổi lẫn nhau, phong trào thi đua xa rời với mục đích ban đầu đặt ra. Do vậy, tháng 8 năm 1949, trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công”, Người đã nhấn mạnh: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”.
Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Người đã nói tới “nền tảng của thi đua” - một vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, gốc rễ của thi đua. Chính trên nền tảng này mà mọi cuộc thi đua sẽ được nảy sinh và diễn ra liên tục.
Sự phân công lao động xã hội đã phân chia mỗi người, mỗi việc khác nhau, mỗi việc đều có một vị trí, vai trò nhất định và đều có những đóng góp cho xã hội, giúp cho xã hội ngày càng phát triển. Cho nên, dù là công việc đơn giản hay phức tạp, lao động trí óc hay chân tay thì người thực hiện nó đều phải có ý thức, có trách nhiệm để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất có thể, như vậy, người đó đã tham gia tích cực và có hiệu quả trong phong trào thi đua.
Chính vì lẽ đó, Người thường xuyên khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân phải luôn có tinh thần lao động, có ý thức trách nhiệm cao đối với công việc hàng ngày của mình. Mỗi người tùy vào sức của mình để tham gia tốt vào phong trào thi đua. Theo Người, “bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang” và đã thi đua là phải làm cho tốt.
Công việc hàng ngày đều cần phải thi đua, nếu được tổ chức, phát động thành phong trào, có tổng kết, rút kinh nghiệm thì tác dụng và hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Đó cũng chính là lý do tháng 6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” để mỗi người đều có thể học tập và làm theo. Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà.
Điều đó cho thấy, thi đua không phải là cái gì quá khó khăn, cao xa như chúng ta thường hay nghĩ, mà thi đua chính là mỗi người cần phải có trách nhiệm với công việc hằng ngày của mình và tìm mọi cách làm tốt hơn, đó chính là nền tảng của thi đua yêu nước.
Trong thời đại hiện nay, vị trí, mục tiêu, tầm quan trọng của việc thi đua vẫn không thay đổi, nhưng cách thức thi đua, các biện pháp để thực hành thi đua đã có nhiều bước đổi mới để theo kịp với sự phát triển xã hội. Trước đây ta thi đua để "kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công", thì ngày nay ta phải thi đua để thực hiện công cuộc đổi mới với mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh, để Việt Nam trở thành một nước vǎn minh, hiện đại. Thi đua là quy luật chung của xã hội loài người. Nhưng, dù có thay đổi thế nào thì quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề thi đua đặc biệt là luận điểm “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua” vẫn luôn đúng đắn và phù hợp với mọi thời đại.
Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, 75 năm qua, Đảng, nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc và phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh. Các phong trào thi đua đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương giai gắn với thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 và Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các phong trào đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện, đặc biệt là được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp, an sinh xã hội được bền vững, nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là 4 phong trào thi đua trọng tâm, trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”. Từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua và tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao, cảm phục và xúc động trước những việc làm, hành động cao đẹp và thành tích xuất sắc của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến đã trên tất cả các lĩnh vực, mọi vùng miền của đất nước đang ngày đêm nỗ lực, hăng say lao động, chiến đấu, để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 gây ra, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, từ đó hình ảnh những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh. Không dừng lại ở đó, nhiều bác sỹ, y tác trẻ xung phong vào nơi tâm dịch với mong muốn san sẻ bớt nỗi khó khăn, mệt nhọc của đồng nghiệp và chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tất cả khi vào cuộc đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất càng thể hiện được sự tiên phong, gương mẫu của người cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, thắt chặt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, tại buổi gặp gỡ y bác sỹ tuyến đàu chống dịch, Thủ tướng Phmaj Minh Chính đã khẳng định: “Hơn 24.000 người ngành y tham gia chống dịch là hơn 24.000 bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào. Nhiều anh chị em đã bị nhiễm bệnh và có những người đã ra đi mãi mãi".
Trong giai đoạn hiện nay, thế giới có nhiều chuyển biến, đất nước ta đứng trước những thời cơ và cả những thách thức khó lường, do đó, chúng ta cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 – 2025 với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Vì vậy, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, đơn vị đều cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước thành những phong trào riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, mỗi cá nhân đặt ra những mục tiêu của bản thân, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thi đua hàng ngày thường xuyên, liên tục có tác dụng thúc đẩy mỗi người dân, tuỳ theo công việc của mình kiên trì phấn đấu làm việc tốt hơn, đạt được kết quả cao hơn, không ngừng hoàn thiện mình, vươn đến chân - thiện - mỹ. Cũng từ công việc hàng ngày mà lòng yêu nước được củng cố, vun trồng và phát triển. Từ đó xã hội, cuộc sống sẽ phát triển không ngừng.
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất” nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 nước ta là nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hải Đăng