“Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều góp ý về xây dựng luật hơn” 

(Chinhphu.vn) - Chúng tôi, những người chắp bút xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất mong muốn nhận được sự quan tâm góp ý nhiều hơn của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội để luật pháp thực sự đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chất lượng xây dựng pháp luật không được như mong muốn, gây ảnh hưởng không tốt tới đời sống của nhân dân.

 

Đây là chia sẻ của bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT với Báo điện tử Chính phủ về việc xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến ngành giao thông.

 

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GTVT.  Ảnh: Báo Giao Thông.

Xin bà cho biết về công tác xây dựng văn bản pháp luật của Bộ GTVT trong năm vừa qua?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga: Năm 2018, theo kế hoạch Bộ trưởng Bộ GTVT phải ký ban hành 75 thông tư,  trình Chính phủ ban hành 20 Nghị định. Hết năm 2018, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký ban hành 61 Thông tư và trình Chính phủ ban hành 15 Nghị định.

Năm nay, 2019, theo kế hoạch Bộ GTVT sẽ xây dựng 6 Nghị định trình Chính phủ và ban hành 27 Thông tư. Kế hoạch này được xây dựng, cập nhật trên cơ sở tiếp nối của Chương trình xây dựng văn bản năm 2018, kết quả công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Có thể nói, việc xây dựng văn bản pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là công việc thường xuyên, liên tục của Bộ GTVT nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giao thông vận tải nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung, tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và phát triển hệ thống giao thông vận tải. 

Như bà vừa thống kê ở trên, năm 2018, Bộ phải hoàn thiện 75 Thông tư, trình lên Chính phủ 20 Nghị định nhưng mới hoàn thiện được 61 Thông tư và 15 Nghị định. Như vậy là đang chậm so với kế hoạch và chậm so với yêu cầu thực tiễn?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga: Việc chưa ban hành 11 Thông tư, 5 Nghị định không phải là chậm so với kế hoạch và chậm so với yêu cầu thực tiễn mà đây chính là khoảng thời gian giao thoa giữa kế hoạch của năm 2018 và kế hoạch của năm 2019.

Có những văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình được soạn thảo trong tháng 11, tháng 12/2018 nhưng để đảm bảo đầy đủ các bước theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động, của các bộ, ngành; lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp thì phải sang đến tháng 3-4/2019 mới có thể ban hành.

Hoặc theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ, một Nghị định khi trình lên Chính phủ còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Những vấn đề lớn cần xin ý kiến thì Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tổ chức họp một hoặc nhiều lần để thảo luận hoặc xin ý kiến bằng văn bản. Căn cứ các ý kiến này, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử như Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô mà báo chí nói đến rất nhiều thời gian vừa qua. Dự thảo Nghị định này đã được trình Chính phủ đúng tiến độ của kế hoạch soạn thảo. Tuy nhiên, do tác động của dự thảo Nghị định đến nhiều mặt của cuộc sống, của người dân và cũng do những yếu tố mới xuất hiện trong quá trình quản lý, Chính phủ đã phải tổ chức rất nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành để thảo luận và giao Bộ GTVT tiếp thu, chỉnh lý.

Mặt khác, do tính chất phức tạp của các vấn đề đặt ra trong dự thảo nghị định nên hiện nay dự thảo này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Hiệp hội, các doanh nghiệp và ý kiến của người dân.

Có ý kiến cho rằng việc Bộ GTVT chậm ban hành Nghị định 86 là do sự yếu kém về năng lực của cán bộ xây dựng luật?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga: Một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là tính khả thi. Không một cá nhân hay một tập thể nào lại mong muốn văn bản do mình soạn thảo, ban hành ra lại không đảm bảo tính khả thi, không đi vào cuộc sống, không điều chỉnh được các vấn đề của cuộc sống.

Để xây dựng được quy tắc xử sự chung, có tính bắt buộc áp dụng cho các chủ thể hoạt động kinh doanh vận tải một cách công bằng, bình đẳng thì năng lực lập pháp của đội ngũ cán bộ xây dựng chỉ là một yếu tố. Quan trọng hơn cả, chính là định hướng phát triển của chúng ta trong thời đại công nghệ hiện nay.

Do đó, cần  phải huy động sức mạnh tổng thể của các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển kinh doanh vận tải. Đây không phải là trách nhiệm chỉ riêng Bộ GTVT. Chính vì vậy, Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, thậm chí giao cả cho Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, VCCI tổ chức hội thảo chuyên sâu về các nội dung của dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 nhằm tìm ra  phương thức quản lý hữu hiệu nhất.

Ngoài Nghị định 86, hiện Bộ GTVT có đang còn văn bản pháp luật nào đang chậm so với yêu cầu của Chính phủ không?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga: Năm 2018 Bộ GTVT được Chính phủ, Quốc hội giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch đang chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân bởi Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tháng 11/2018 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, đầu tháng 12/2018, Chính phủ giao các Bộ, ngành xây dựng và phải trình Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung 37 luât liên quan đến quy hoạch ngay trong tháng 12/2018.

Mặc dù Chính phủ cho phép thực hiện theo thủ tục rút gọn, nhưng phải thừa nhận rằng việc này rất khó và không Bộ, cơ quan ngang Bộ nào có thể thực hiện kịp thời. Bởi dù bỏ qua trình tự lấy ý kiến các bộ, ngành thì dự thảo Nghị định vẫn phải trình qua Bộ Tư pháp thẩm định. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, các Bộ mới có cơ sở để trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

Về phía Bộ GTVT, hiện Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch đã gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Tư pháp đã có văn bản thẩm định. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Là cơ quan chuyên ngành chịu trách nhiệm xây dựng luật, Bộ có gặp khó khăn, vướng mắc gì không?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga: Phải nhìn nhận rằng việc xây dựng văn bản pháp luật là một quá trình thường xuyên, liên tục và hết sức khó khăn. Nhiều khi văn bản quy phạm pháp luật vừa được ban đã phát sinh vấn đề do quá trình soạn thảo chưa dự báo được hết các yếu tố cần được điều chỉnh, trong khi thực tiễn luôn vận động và phát triển.

Ngay như ở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dù đã dự liệu được rằng trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cho phép UBTVQH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành Luật, Nghị quyết, Nghị định….. Tuy nhiên, Luật lại không cho phép các Bộ, ngành được áp dụng quy trình này khi ban hành Thông tư theo trình, tự thủ tục rút gọn để giải quyết những vấn đề cấp bách trong quá trình quản lý nhà nước do mình quản lý.

Dẫn đến thực tế có Nghị định có hiệu lực ngay nhưng Thông tư hướng dẫn thì không thể có thể có hiệu lực đồng thời cùng với Nghị định do phải thực hiện đầy đủ các quy trình xây dựng và phải ít nhất 45 ngày sau khi ký ban hành mới có hiệu lực. Do đó, việc giải quyết những vấn đề cấp bách của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực là không thể thực hiện được.

Việc lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp, hiệp hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật được Bộ thực hiện như thế nào?

Bà Trịnh Thị Hằng Nga: Như tôi đã nói, quá trình xây dựng pháp luật là quá trình làm chính sách cần thiết phải có ý kiến đa chiều, ý kiến phản biện, tranh luận… để đưa ra một quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần do đó việc lắng nghe ý kiến những đối tượng chịu tác động trực tiếp là việc cần thiết.

Trên thực tế, toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT trong quá trình xây dựng dự thảo đều được đăng tải trên Cổng TTĐT Bộ GTVT, Cổng TTĐT Chính phủ nhưng sau khi đăng tải trong thời gian 60 ngày theo quy định thì hầu như chúng tôi không nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi, góp ý xây dựng nào từ người dân, từ doanh nghiệp qua các hình thức đăng tải này.

Chúng tôi, những người chắp bút xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất mong muốn nhận được sự quan tâm góp ý nhiều hơn của người dân, doanh nghiệp, hiệp hội để luật pháp thực sự đi vào cuộc sống, tránh tình trạng chất lượng xây dựng pháp luật không được như mong muốn, gây ảnh hưởng không tốt tới đời sống của nhân dân.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Phan Trang (thực hiện)

1256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 663
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 663
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77242094