|
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội |
Theo đại biểu, sau những “biến cố” không mong muốn xảy ra trong năm 2020 là đại dịch COVID-19 và thiên tai ở miền Trung, hoạt động từ thiện trở thành phong trào được nhiều người dân hưởng ứng, song cũng có không ít ý kiến trái chiều.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng bản thân hoạt động từ thiện đã là văn hóa và thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức và đất nước. Đại dịch COVID-19 và thảm họa thiên tai ở miền Trung đã khơi dậy trong cộng đồng tình dân tộc, nghĩa đồng bào với nhiều hành động đáng quý, đáng trân trọng.
Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” dấy lên trong giai đoạn cả nước chống dịch để hỗ trợ y bác sĩ tuyến đầu và người dân phải cách ly, hay người bị mất việc làm, để họ không bị đói ăn đứt bữa. Đâu đâu cũng thấy hoạt động nhân đạo từ thiện, từ việc Chính phủ đón công dân đang bị kẹt ở nước ngoài về nước, quân đội đón người cách ly...
Trong đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung, nhân dân cả nước đã chung tay giúp người dân nơi đây vượt qua khó khăn. Nhiều cơ quan, tổ chức đến với vùng thiên tai chung tay góp sức sẻ chia khó khăn, đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam.
Nhưng có hiện tượng nhiều người mang quần áo không còn dùng được hoặc đã lỗi thời, sách giáo khoa hay đồ dùng đã cũ… để làm từ thiện làm tổn thương người nghèo vì người nghèo là người giàu lòng tự trọng và dễ bị tổn thương. Vì vậy, làm từ thiện cũng cần phải có văn hóa, đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức, bà Thu nhấn mạnh.
Đề cập việc Hệ tri thức Việt số hóa đã giúp Hội Chữ thập đỏ xây dựng nền tảng nhân đạo số (iNhandao) để kết nối các địa chỉ cần cứu trợ nhân đạo, để người cho biết những gì người được giúp đỡ đang cần. Từ đó, bà Thu kiến nghị ứng dụng công nghệ thông tin để công tác thiện nguyện ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, chuyên nghiệp, nhân văn hơn.
Bên cạnh đó, bà Thu đề nghị sớm sửa đổi Nghị định 64 về tiếp nhận, sử dụng phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để phù hợp với tình hình mới, bảo đảm thuận tiện cho cá nhân, tổ chức tham gia và ngăn chặn lợi dụng cứu trợ để trục lợi, đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình cứu trợ cho từng nhóm tham gia cứu trợ.
Theo đó, bước nào cá nhân, tổ chức được quyết định, bước nào cần có sự tham gia của nhà chức trách địa phương nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn của nhân dân và cao hơn nữa là giữ vững kỷ cương, phép nước, niềm tin của nhân dân… để không xảy ra hiện tượng cứu trợ tự phát, vừa nguy hiểm, vừa không hiệu quả, lãng phí công sức và không công bằng, minh bạch.
Cũng đề cập vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng nhắc lại tinh thần đoàn kết, sự ủng hộ của người dân, tinh thần dân tộc hết sức quý giá trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, lũ lụt.
Đại biểu nhấn mạnh qua đợt bão lũ vừa rồi, hàng ngàn đoàn xe kìn kìn từ Bắc chí Nam, từ Nam ra Bắc ủng hộ đồng bào miền Trung. Đó là tinh thần dân tộc vô cùng quý giá được phát huy mạnh mẽ mỗi khi có thiên tai, địch họa. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức kịp thời để ứng phó với đại dịch và thiên tai chưa từng có. Điều này đã để lại hình ảnh đẹp về tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam.
Thanh Xuân