‘Đo’ thực hiện nghị quyết văn hóa qua các chỉ số cụ thể 

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” gợi ý vấn đề này khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, sáng 6/5.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Đình Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Chung cho biết Nghị quyết 33 là chủ trương, động lực quan trọng để địa phương dành sự quan tâm nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa. Tại nhiều cộng đồng dân cư đã xây dựng quy tắc ứng xử, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, gắn liền với phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của đất và người Bạc Liêu.

Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú. Tỉnh Bạc Liêu đã phục hồi được nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống như Nói thơ Bạc Liêu, Hò chèo ghe Bạc Liêu, các điệu múa dân gian, tổ chức lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc biệt là hoạt động Đờn ca tài tử với 158 câu lạc bộ, gần 1.700 nghệ sĩ, nghệ nhân.

Các giá trị văn hóa trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò quan trọng trong sinh hoạt cộng đồng tại nhiều khu dân cư, kết hợp với những phong trào nhân văn, thiết thực như đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, khuyến học… Điển hình một số thiết chế văn hóa xã tại vùng đồng bào dân tộc Khmer được bố trí lồng ghép trong các chùa Khmer đã phát huy rất tốt hiệu quả hoạt như việc sử dụng các tủ sách pháp luật đặt tại đây đã làm tăng khả năng tiếp cận, nâng cao hiểu biết phát luật của bà con.

Toàn tỉnh có 95% gia đình, 99% ấp, khóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt các danh hiệu về văn hóa. Phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo đã hỗ trợ cho hơn 7.000 hộ nghèo với tổng số tiền 26,5 tỷ đồng.

Những tồn tại, hạn chế được lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nêu lên là nguồn nhân lực làm văn hóa, y tế, giáo dục ở cơ sở còn thiếu, chất lượng chuyên môn yếu. Từ năm 2015 đến nay, Bạc Liêu đã bố trí hơn 577 tỷ đồng đầu tư cho các dự án hạ tầng văn hóa nhưng mới đáp ứng được một phần nhu cầu hưởng thụ của người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Các phòng trào thi đua về văn hóa vẫn còn chạy theo số lượng, hình thức.

 

Ảnh VGP/Đình Nam

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, các bộ ngành phân tích sâu sắc các đặc thù của địa phương, những sáng kiến, điển hình có thể nhân rộng, những gì còn hình thức, chưa phù hợp trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33.

“Có nhiều chỉ số tưởng chừng không liên quan đến văn hóa như: Số người nghiện, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, số vụ ly hôn, bạo lực gia đình… tiếp đến là có lo đủ trường lớp cho học sinh, đủ trạm xá, bệnh viện cho người dân hay không? Những chỉ số này là “ánh xạ” phản ánh đời sống văn hóa, xã hội ở địa phương”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chia sẻ, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa cơ sở là “kháng thể đối với tệ nạn xã hội”. Đáng chú ý, ngành văn hóa Bạc Liêu đã trang bị phương tiện, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các ngôi chùa Khmer đúng với chức năng của một thiết chế văn hóa cơ sở và rất hiệu quả. “Cái thiếu nhất của Bạc Liêu hiện nay là thiếu cán bộ văn hóa bám cơ sở. Chúng tôi đang tìm mọi nguồn lực để đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ hoạt động tại cơ sở”, bà Cao Xuân Thu Vân cho hay.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ với lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu về tình hình thiếu bác sĩ, điều dưỡng cùng như hiệu quả hoạt động chưa cao của hệ thống y tế cơ sở.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã nêu một số vấn đề lớn trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra yêu cầu giáo dục phải đi trước, học sinh phải được học có chất lượng, tăng cường giáo dục toàn diện, đổi mới hoạt động quản lý, quản trị trong các cơ sở giáo dục… Đây là những câu hỏi mà quá trình sơ kết Nghị quyết 33 của tỉnh Bạc Liêu phải giải đáp cặn kẽ, thấu đáo. 

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc sơ kết thực hiện Nghị quyết 33 ở tỉnh Bạc Liêu cần nắm vững các điểm trọng tâm.

Nhắc lại Di chúc Bác Hồ có viết “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, Phó Thủ tướng cho rằng đây là “kim chỉ nam” trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 33 suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, như quy luật của nhiều nước trên thế giới thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế sau đó mới đến môi trường, rồi tiếp nữa là văn hóa. Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa rất khó lượng hóa, đo đếm, phát sinh và tích tụ dần dần, song khi bộc lộ ra cũng không khắc phục được ngay. Bên cạnh đó, nhìn trong ngắn hạn các hoạt động văn hóa không đóng góp trực tiếp về kinh tế nhưng kết quả đạt được lại sau cả quá trình thực hiện lâu dài. Vì vậy, sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền, nguồn lực đầu tư cho văn hóa không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong giải quyết các vấn đề văn hóa, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức.

Bạc Liêu cần nhận thức đầy đủ các vấn đề này khi sơ kết Nghị quyết 33, đồng thời tạo bước chuyển mạnh mẽ về giáo dục, y tế, văn hóa.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới giáo dục không giống như xây một căn nhà hay làm một con đường mà phải kiên trì từng bước, theo lộ trình, tạo sự đồng thuận rất cao của người dân theo đúng nguyên lý giáo dục phổ thông trên thế giới. Đó là nhà nước bảo đảm đủ trường lớp cho giáo dục phổ thông và đào tạo nhân tài còn phân khúc chất lượng cao thì có cơ chế quản trị để các trường phổ thông cung cấp dịch vụ cho những người có khả năng chi trả. Từ đó chuyển một bộ phận giáo viên sang không hưởng lương ngân sách, để dành biên chế cho những khu vực khó khăn. Đồng thời thay đổi cơ chế quản trị với sự tham gia của cộng đồng, tập thể giáo viên, phụ huynh, học sinh thay vì chỉ có phòng giáo dục, hiệu trưởng, ban giám hiệu như hiện nay, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, công khai, minh bạch. 

“Bạc Liêu không thiếu phòng học, giáo viên nhưng chưa dạy học 2 buổi/ngày, tôi mong muốn tỉnh tập trung thực hiện cho được việc này giống như giáo dục phổ thông ở các nước phát triển khác”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành xây dựng mô hình tác đào tạo bác sĩ, điều dưỡng cụ thể cho một số địa phương có điều kiện như Bạc Liêu, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động y tế cơ sở, nhất là thiết lập tủ thuốc tại trạm y tế xã phù hợp với mô hình bệnh tật địa phương; thực hiện kết nối các nhà thuốc; lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho người dân…

Trong việc tổng kết các phong trào văn hóa ngoài việc siết lại quá trình xem xét, công nhận danh hiệu, Phó Thủ tướng cho rằng sơ kết Nghị quyết 33 cũng là dịp để phân tích rất nghiêm túc các chuẩn quốc gia về trường học, trạm y tế, nông thôn mới để sát thực tiễn tránh lãng phí, hình thức.

 

Phó Thủ tướng trò chuyện với các em học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu. Ảnh VGP/Đình Nam

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bạc Liêu. Trao đổi với lãnh đạo tỉnh và ban giám hiệu nhà trường, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác chăm lo mọi mặt đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Trường Phổ thông dân tộc nội trú được tỉnh Bạc Liêu quan tâm đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, khu nội trú, đội ngũ giáo viên… bảo đảm nơi ăn chốn ở, điều kiện học tập cho các em học sinh.

Phó Thủ tướng mong muốn nhà trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được song cũng cần tìm tòi, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng học tập của các em học sinh thiểu số. 

“Bây giờ giao thông đã thuận lợi hơn nên cần nghiên cứu, quy hoạch lại các trường nội trú từ đó có kiến nghị chính sách cần thiết, bảo đảm đủ điều kiện học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ngay cạnh trường nội trú của chúng ta có trường phổ thông bình thường, các đồng chí nên nghiên cứu phương án có khu ký túc xã dành riêng cho các cháu nhưng đi học chung ở các trường phổ thông bình thường, bảo đảm chất lượng đầu ra của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn không kém hơn ở vùng thuận lợi”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Bên cạnh việc học tập theo chương trình chung bằng tiếng phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng cần tăng dần thời lượng cho các cháu học tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt thêm văn hóa của dân tộc mình. Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo phải tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt, lao động tập thể, tham gia dọn vệ sinh trường lớp, phòng ở, sinh hoạt Đoàn, Đội… hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện.

Đình Nam

576 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87024001