|
Đồng chí Lê Đức Thọ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre |
Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng toàn thể Nhân dân trong tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, nỗ lực khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời các chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Chủ động, quyết liệt, kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan trong cộng đồng và số ca tử vong; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện đợt giãn cách xã hội thứ 4 theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để thực hiện triệt để, toàn diện, quyết liệt theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để phát hiện, truy vết và dập dịch nhanh chóng, hiệu quả. Với tinh thần quyết liệt bằng mọi giải pháp, mọi người dân cùng với chính quyền cố gắng xây dựng vùng an toàn, không dịch bệnh (vùng xanh); giữ vững, mở rộng và bảo vệ vững chắc “vùng xanh” trong thời gian nhanh nhất; “xanh hóa” các vùng khác để sớm đạt được trạng thái “bình thường mới”.
Tỉnh đặt mục tiêu cố gắng đến ngày 15/9/2021, toàn tỉnh trở về trạng thái bình thường mới. Để đạt mục tiêu này rất cần sự nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh nhà trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác phòng, chống dịch bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là lực lượng gần dân, sát dân nhất, hiểu rất rõ tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân trong địa bàn.
Cần tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt, toàn diện, thống nhất, quyết liệt và có kết quả. Đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, khu phố cần tập trung tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ấp, khu phố. Trưởng ban công tác Mặt trận ấp cần lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Kịp thời đưa ra phương án giải quyết khi xảy ra dịch COVID trên địa bàn. Một khi người dân tin tưởng, tích cực tham gia, Ban công tác Mặt trận sẽ có thêm động lực tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Chúng ta cũng cần phát huy tốt vai trò của các tổ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cộng đồng (Tổ COVID cộng đồng). Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò các Tổ Nhân dân tự quản trong việc quản lý, giám sát chặt chẽ từng địa bàn dân cư. Tham gia với các lực lượng chức năng thực hiện đạt hiệu quả cao nhất phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, giám sát thực hiện nghiêm việc cách ly y tế. Sắp xếp, tổ chức lại hoạt động các Tổ nhân dân tự quản bằng phương thức phi truyền thống thông qua các ứng dụng mạng xã hội như zalo, facebook,.... để nắm chắc, kịp thời diễn biến tình hình đời sống của người dân tại địa bàn. Phát huy vai trò của các tổ xung kích, tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân tại các địa bàn dân cư. Kiên quyết không để xảy ra các trường hợp gặp khó khăn hoặc thiếu ăn, thiếu mặc do không mua được lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Cần nhân rộng phong trào đồng hành cùng chính quyền trong phòng chống dịch. Mỗi người dân trong Tổ Nhân dân tự quản hỗ trợ lẫn nhau trong an sinh xã hội, nhu yếu phẩm cần thiết, đồng thời tự giám sát lẫn nhau trong phòng, chống dịch.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục huy động các nguồn lực ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch, tạo sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn cùng Nhân dân quyết tâm phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả. Tiếp tục xây dựng nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm mới thể hiện tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, cùng chung tay, góp sức vào công việc chung.
|
Câu lạc bộ Nữ hưu trí và Câu lạc bộ Trí thức trẻ tỉnh Bến Tre làm dụng cụ phòng, chống dịch tặng đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch bệnh COVID-19 |
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động toàn dân phát huy mọi tiềm năng, sức mạnh, sáng kiến, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi trong cuộc chiến chống đại dịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để cập nhật, xử lý thông tin hai chiều từ tỉnh đến cơ sở và ngược lại. Bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành được thường xuyên, kịp thời, sát đúng với tình hình thực tế nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Việc phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nguồn lực quyết định thắng lợi trong cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Người dân đã giúp cơ quan chức năng trong rất nhiều hoạt động như: Tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, trường hợp về từ vùng dịch không chấp hành đúng quy định,… Và việc người dân chấp hành tốt các khuyến cáo của ngành Y tế về phòng dịch là góp phần quan trọng cùng với lực lượng tuyến đầu, các cơ quan chức năng triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Những thông tin mà người dân cung cấp liên quan đến công tác điều tra dịch tể, truy vết các trường hợp về từ vùng dịch, có liên quan đến người mắc COVID-19; và sự đồng hành, chia sẻ của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp để quyết tâm giữ vững vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ trên từng địa bàn là hết sức quan trọng. Người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng việc xét nghiệm để sàng lọc F0, F1 từ cộng đồng; ủng hộ, đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, để toàn dân được tiêm chủng, có được sự miễn dịch cộng đồng;... những việc này góp phần rất quan trọng để chúng ta sớm ổn định tình hình, trở thành trạng thái bình thường mới, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội trong thời gian sớm nhất.
Cần tiếp tục làm tốt việc tổ chức lực lượng để xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu thực tế và phương án xét nghiệm được phê duyệt triển khai. Tất cả các khâu phòng, chống dịch bệnh phải làm mạnh mẽ hơn, phối hợp chặt chẽ hơn, nhuần nhuyễn và quyết liệt hơn. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thực hiện các mục tiêu phòng, chống dịch. Xây dựng “vùng xanh” phải bảo đảm thực chất, bền vững, quay lại sản xuất và ổn định cuộc sống của Nhân dân trong điều kiện bình thường mới, kiểm soát dịch bệnh không cho tái phát trở lại.
Mục tiêu quan trọng của tỉnh là không để tăng số ca F0 mới, chặn đứng phát sinh F0, điều trị tích cực, hạn chế thấp nhất tử vong; bảo vệ sức khỏe, tính mạng và an toàn cho Nhân dân là trước hết và trên hết; bảo đảm an sinh xã hội. Các gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người lang thang, cơ nhỡ... là đối tượng cần được đặc biệt quan tâm chăm lo, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, chủ động đăng ký, tiếp nhận, sớm có nguồn vắc xin để tiêm chủng trên diện rộng cho người dân.
Với truyền thống đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy tinh thần "Đồng Khởi mới", tính sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, ý thức, trách nhiệm cao của từng người dân; nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho cộng đồng, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, xây dựng Bến Tre phát triển nhanh và bền vững./.