Ðầu tư đúng hướng góp phần quan trọng mang lại thành công cho thể thao Việt Nam 

Thể thao Việt Nam tiếp tục có thêm nhiều thành tích mới trong năm 2017 khi giữ vững vị trí trong tốp ba dẫn đầu Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 29-2017 (SEA Games 29) và lọt vào tốp mười của Ðại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG 2017). Phần lớn Huy chương vàng (HCV) và kỷ lục của các vận động viên (VÐV) nước ta đều thuộc về các môn cơ bản trong hệ thống thi đấu Ô-lim-pích. Ðây cũng là năm thi đấu nổi trội của bóng đá trẻ Việt Nam với một số thành tích tại giải đấu khu vực và thế giới. Ðịnh hướng đúng đã và đang giúp thể thao Việt Nam gặt hái những thành quả, nhưng bên cạnh đó cũng còn không ít bất cập, tác động tiêu cực tới sự phát triển.
Ðầu tư đúng hướng góp phần quan trọng mang lại thành công cho thể thao Việt Nam

Chất lượng hơn số lượng

Tuy chỉ ở tầm khu vực Ðông - Nam Á, nhưng thể thao Việt Nam đã cho thấy sức mạnh thật sự trong năm 2017 khi giành vị trí thứ ba toàn đoàn với 58 HCV, 51 Huy chương bạc (HCB) và 60 Huy chương đồng (HCÐ) tại SEA Games 29. Ðiều đáng nói ở đây là có tới 90% số HCV thuộc về các môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Ô-lim-pích và ASIAD. Trong đó, đáng kể nhất là thành tích đi vào lịch sử thể thao nước nhà và khu vực khi các tuyển thủ điền kinh Việt Nam giành được 17 HCV, "lật đổ" một cách ngoạn mục vị trí mà điền kinh Thái-lan "thống trị" trong nhiều năm qua (đội tuyển điền kinh Thái-lan có số lượng đông kỷ lục tới 90 VÐV dự đại hội nhưng chỉ giành được chín HCV). Trong thành tích vang dội, có đóng góp của nhiều tài năng trẻ có thể tiến xa trong tương lai, như VÐV Lê Tú Chinh mới 20 tuổi, lần đầu tham dự SEA Games đã giành trọn ba HCV ở cự ly ngắn 100 m, 200 m và tiếp sức 4x100 m nữ với thành tích sít sao kỷ lục đại hội, hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương châu lục. Một ngôi sao khác của điền kinh Việt Nam là Nguyễn Thị Huyền tiếp tục khẳng định vị thế với hai HCV cự ly sở trường 400 m và 400 m rào nữ. Trước đó, nữ VÐV này hai lần đoạt HCV tại Giải vô địch điền kinh châu Á 2017... Từ đấu trường SEA Games 29 đã xuất lộ một lứa "VÐV vàng" của điền kinh Việt Nam hội tụ kinh nghiệm, sức trẻ, sự bền bỉ và khát vọng chiến thắng.

Cùng với điền kinh, bơi lội Việt Nam một lần nữa thể hiện ưu thế khi góp vào thành tích chung 10 HCV tại SEA Games 29. Trong khi "kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn giữ vững vị trí hàng đầu khu vực với tám HCV, đã xuất hiện gương mặt trẻ nhất đại hội là VÐV Nguyễn Hữu Kim Sơn khi đoạt HCV cự ly 400 m hỗn hợp và lập kỷ lục đại hội. VÐV mới 15 tuổi này còn đoạt 14 HCV tại Giải bơi cá nhóm tuổi Ðông- Nam Á 2017 và đạt bốn chuẩn dự Ô-lim-pích trẻ 2018. Trong tương lai không xa, Kim Sơn hoàn toàn có khả năng trở thành một VÐV xuất sắc để vươn tầm châu lục. Ðội tuyển thể dục dụng cụ nam và đội tuyển đấu kiếm cũng thể hiện tài năng khi cùng đoạt năm HCV, về nhất bộ môn tại đại hội. Ðội tuyển bóng bàn Việt Nam đi vào lịch sử thể thao nước nhà khi giành ngôi vô địch, lật đổ vị trí đứng đầu suốt 20 năm qua tại SEA Games của bóng bàn Xin-ga-po ở nội dung đồng đội nam... Tại Ðại hội thể thao người khuyết tật Ðông - Nam Á lần thứ 9 (ASEAN Para Games 2017), đoàn Việt Nam nối tiếp bổ sung những thành công khi giành được tổng cộng 40 HCV, 61 HCB, 60 HCÐ. Ðiều đặc biệt là các VÐV khuyết tật nước ta đã phá 10 kỷ lục đại hội, trong đó có hai kỷ lục châu Á ở môn cử tạ. Ðội tuyển điền kinh người khuyết tật Việt Nam thi đấu tốt nhất với 17 HCV, tiếp theo là đội tuyển bơi giành được 15 HCV. Với các kết quả nêu trên, đoàn thể thao Việt Nam tại hai đại hội nêu trên đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Thể dục - Thể thao đề ra.

Năm 2017, thể thao Việt Nam còn thành công ở đấu trường châu lục với vị trí xếp hạng thứ chín ở Ðại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á (AIMAG 2017). Các VÐV nước ta đã giành được 13 HCV, tám HCB, 19 HCÐ và vượt chỉ tiêu về số lượng HCV đề ra với công đầu thuộc về hai kỳ thủ cờ vua: Lê Quang Liêm giành ba HCV, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đoạt hai HCV và VÐV bơi Ánh Viên đoạt hai HCV. Phong độ xuất sắc của các VÐV cờ vua và bơi đã giúp Việt Nam lần thứ ba liên tiếp ở đại hội vượt qua một số cường quốc thể thao của châu lục. Nhìn nhận một cách khách quan, tuy chưa phải là một đấu trường mạnh nhất để các đoàn cử những VÐV hàng đầu của mình đến đua tài, nhưng thành tích của thể thao nước ta là rất đáng khích lệ, tạo đà cho cuộc đua vươn tầm châu lục trong tương lai.

Ở các môn thể thao khác, quốc kỳ Việt Nam cũng nhiều lần được kéo lên vị trí cao nhất trên kỳ đài đấu trường thế giới và châu lục. Có thể kể đến thành tích đầy tự hào của các VÐV nước ta như: ba HCV của lực sĩ Thạch Kim Tuấn tại Giải vô địch cử tạ thế giới 2017, bốn HCV của lực sĩ Nguyễn Trần Anh Tuấn và Lý Quang Vinh tại Giải cử tạ trẻ châu Á; VÐV Lê Thanh Tùng giành HCV nội dung nhảy chống Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới; cung thủ Lộc Thị Ðào lần đầu giúp Việt Nam vô địch ở nội dung bắn cung một dây nữ Cúp bắn cung châu Á... Cùng với 12 HCV của đội tuyển tê-cuôn-đô Việt Nam tại Giải vô địch tê-cuôn-đô Ðông - Nam Á, nữ võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền xuất sắc lần đầu mang về tấm HCB lịch sử cho tê-cuôn-đô Việt Nam ở Giải vô địch tê-cuôn-đô Grand Prix thế giới 2017 quy tụ nhiều võ sĩ mạnh hàng đầu thế giới... Ðặc biệt là thành tích ở môn cờ vua khi các kỳ thủ trẻ nước ta liên tiếp giành chiến thắng vang dội ở các giải vô địch châu Á và thế giới. Nổi bật là nữ kỳ thủ Võ Thị Kim Phụng đoạt Cúp vô địch cờ vua châu Á. Ngay sau đó, nữ kỳ thủ trẻ lại tiếp tục đánh bại nhiều đại kiện tướng cờ vua thế giới và giành ngôi vô địch hạng mục nữ tại Giải cờ vua FIDE mở rộng 2017 tại Luân Ðôn. Kỳ thủ trẻ thứ hai đầy tiềm năng, góp phần làm rạng danh cờ vua Việt Nam trong năm là Nguyễn Anh Khôi. Kỳ thủ 15 tuổi đã tỏa sáng với "cú đúp" HCV cờ nhanh và cờ chớp lứa tuổi U16 tại Giải vô địch cờ nhanh và cờ chớp trẻ thế giới 2017 ở Hy Lạp.

Bóng đá Việt Nam trong năm cũng có nhiều chuyển biến tích cực với một mùa giải vô địch quốc gia V-League 2017 nhiều kịch tính và có chất lượng chuyên môn cao hơn. Tuy đội tuyển U22 Việt Nam phải dừng bước tại vòng bảng SEA Games 29, nhưng bóng đá nữ đã xuất sắc đoạt ngôi vô địch SEA Games 29 và bóng đá trẻ tiếp tục cho thấy khả năng của mình. Trước hết phải kể tới thành tích ấn tượng của đội tuyển U15 Việt Nam tại Giải bóng đá U15 Ðông - Nam Á 2017 ở Thái-lan. Các tuyển thủ trẻ U15 nước ta đã vào đến trận chung kết với kết quả toàn thắng ở tất cả các vòng đấu và thắng tiếp đội tuyển U15 Thái-lan ngay trên sân nhà của họ để đăng quang ngôi vô địch. Gần đây nhất, đội tuyển U23 Việt Nam cũng có một trận thắng sau nhiều năm chờ đợi trước đội tuyển U23 Thái-lan ngay trên đất Thái ở Giải bóng đá giao hữu U23 quốc tế M150. Trước đó, với trận hòa U20 Niu Di-lân 0-0 ở Giải vô địch bóng đá U20 thế giới 2017, đội tuyển U20 Việt Nam đi vào lịch sử bóng đá Ðông - Nam Á khi trở thành đội bóng đầu tiên của khu vực này có điểm ở sân chơi tầm thế giới...

Những thắng lợi của thể thao Việt Nam tại các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới tập trung ở các môn Ô-lim-pích đã cho thấy định hướng đúng đắn của ngành thể thao nước ta đầu tư vào thực chất, nâng cao chất lượng thi đấu các môn thể thao thành tích đỉnh cao; bớt dần căn bệnh hình thức, lấy số lượng huy chương làm thước đo. Việc đầu tư tuyển chọn, đào tạo người trẻ, bố trí tập huấn ở các nước có nền thể thao phát triển với sự phối hợp của Tổng cục Thể dục - Thể thao, các địa phương, trung tâm, câu lạc bộ đã bổ sung kịp thời lực lượng kế cận. Có thể nói, chính sự kết hợp giữa các VÐV trẻ xuất sắc và các VÐV dày dạn kinh nghiệm đã tạo nên những chiến thắng lịch sử của thể thao nước ta trong năm 2017.

Nỗ lực vượt qua chính mình

Nhiều thành tích nổi bật trong năm, nhưng thể thao Việt Nam cũng có không ít những yếu kém, chưa thành công, bên cạnh những bất cập, hạn chế.

Tại SEA Games 29, ngoài các yếu tố khách quan như cung cách điều hành thiên vị của trọng tài, một số đội tuyển, VÐV nước ta được đầu tư nhiều kinh phí và kỳ vọng đạt thành tích cao đã thi đấu không như mong đợi. Ðương kim vô địch bắn súng tại Ô-lim-pích 2016 là VÐV Hoàng Xuân Vinh gây thất vọng khi thất bại ở cả hai nội dung sở trường vì yếu tố tâm lý và chỉ có được một HCB. Cùng với đó là nỗi đau không vượt qua vòng bảng môn bóng đá SEA Games 29 của đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam, mặc dù được quan tâm đầu tư kinh phí và tạo điều kiện tập luyện, thi đấu với nhiều ưu ái. Ðây không chỉ là những sai lầm chiến thuật và sai lầm cá nhân của một đội bóng, nó còn là kết quả hiển nhiên của một nền bóng đá thiếu chuyên nghiệp, còn nhiều bất ổn, tiêu cực. Ngoài ra, các môn như bắn súng, bắn cung, tê-cuôn-đô tại đại hội đều không hoàn thành chỉ tiêu. Những thất bại cần được phân tích để từ đó rút ra bài học cần thiết, bởi đây là các đội tuyển, các VÐV từng giành thành tích tốt ở các đấu trường quốc tế và các giải đấu trước thềm SEA Games, được tạo điều kiện và tập trung đầu tư tốt nhất của thể thao nước nhà, từ thuê chuyên gia lẫn các chuyến tập huấn dài ngày ở nước ngoài, song lại dễ dàng bại trận hoặc không thể bảo vệ thành công ngôi vô địch.

Ngay cả thành tích vượt qua cả những cường quốc thể thao như Nhật Bản trên vị trí xếp hạng tại Ðại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á - AIMAG 2017 là điều đáng lo hơn đáng mừng, khi chúng ta đang tự ru mình về thành tích trước các VÐV dự bị và hạng hai (thậm chí hạng ba) mà các nước đưa sang dự thi đấu mang tính giao hữu là chính. Quy mô đông đảo của đoàn thể thao Việt Nam tham dự đại hội với các tuyển thủ quốc gia hàng đầu, phần nào cũng cho thấy căn bệnh thành tích vẫn nặng nề trong lối tư duy quản lý và sự lãng phí, thiếu hiệu quả trong sử dụng kinh phí đầu tư phát triển thể thao.

Những yếu kém và thất bại có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần thiếu một cơ chế, chính sách hiệu quả, mang tính động viên, khuyến khích sự tham gia đầu tư xã hội hóa và một chiến lược đào tạo thật sự chuyên nghiệp, có chiều sâu để tạo nên những kỳ tích mang tính bền vững. Ngành thể dục - thể thao cần phải có sự điều chỉnh, tính toán kỹ lưỡng nguồn lực, tập trung đầu tư dài hơi cho những bộ môn, những nội dung thế mạnh, những VÐV trẻ tài năng để hướng tới đấu trường Ô-lim-pích và châu lục, tránh đầu tư dàn trải và không phù hợp, gây lãng phí. Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng đã đến lúc ngành thể dục - thể thao nên có có một chương trình đào tạo mục tiêu theo từng chu kỳ đại hội hướng tới ASIAD hay Ô-lim-pích, tránh đầu tư mang tính tình thế, xây dựng và phát huy nền tảng bền vững từ thể thao học đường và các phong trào thể thao quần chúng khác để tìm kiếm tài năng.

 

NHÓM PHÓNG VIÊN THỂ THAO

 
533 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thể thao

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1063
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1063
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76684270