Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (bên phải) trả lời tại buổi họp báo (Ảnh: Sỹ Điền)
Cụ thể, tại buổi họp báo, một câu hỏi đặt ra, Thủ tướng vừa có yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra giá điện. Vậy việc kiểm tra cụ thể thế nào, bắt đầu từ đâu? Thực tế, trước khi tăng giá, các bộ, ngành có đánh giá tác động tăng giá, nhưng vừa rồi phải làm lại, vậy trách nhiệm giám sát của Bộ Công Thương ở đâu trong việc tăng giá điện này?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì thanh tra việc tăng giá điện; đồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đầu tuần tới triển khai ngay việc này.
"Tinh thần làm bảo đảm, kết luận chính xác khách quan, làm rõ đúng, sai theo chỉ đạo của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện; thứ hai là phương pháp tính, cách tính sau khi có quyết định. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ bảo đảm công khai theo quy định kết luận thanh tra" - Phó Thổng Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Trả lời câu hỏi liên quan, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã căn cứ vào Quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Quyết định 34/2017/QĐ-TTg ngày 25/7/2017 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016-2020. Xét đề nghị EVN, điều kiện thực tiễn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo trình Chính phủ về các phương án điều chỉnh tăng giá điện.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phê duyệt Bộ Công Thương thực hiện, giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3. Sau khi ban hành quyết định này, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến phản ánh hộ dùng điện người tiêu dùng phải trả tiền tăng đột biến so với tháng 3. Các nguyên nhân của việc này đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương giải thích.
“Chúng tôi chia sẻ bức xúc của người tiêu dùng khi hoá đơn tiền điện cao hơn trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - Thứ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước đã thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu EVN phải tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ thắc mắc của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện tháng 4, trong trường hợp có lỗi phải xử lý nghiêm khắc sai phạm.
EVN tiếp tục thông tin, tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện để khách hàng hiểu rõ về cách tính mới, nguyên nhân tăng, mục đích tính giá điện theo bậc thang đối với hộ gia đình. Cuối cùng, EVN phải tiếp tục hoàn thiện cải tiến chất lượng phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt trong những tháng nắng nóng…
Ngày 2/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra Quyết định có 3 đoàn công tác kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện theo đúng Quyết định 846 của Bộ Công Thương liên quan đến giá điện.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo lập đoàn Thanh tra Chính phủ làm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Công Thương kiểm tra việc này, sớm kết luận để việc tăng giá điện thực hiện đúng các quy định chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trước khi có quyết định tăng giá điện, Bộ Công Thương cùng các cơ quan thẩm định, trong đó có Tổng cục Thống kê (GSO), Bộ Tài chính và nhiều cơ quan liên quan, đã có đánh giá tác động trình Chính phủ xem khi tăng giá điện ảnh hưởng mặt hàng khác như thế nào. Còn lãnh đạo Chính phủ, cụ thể là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương đánh giá tác động gián tiếp tăng giá điện, báo cáo lại các cấp có thẩm quyền.
“Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá cũng đã họp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, đã khẳng định, tính toán trong tháng 4 có mức tăng CPI hợp lý, bảo đảm vẫn thực hiện được mục tiêu về chỉ số CPI Chính phủ trình Quốc hội dưới 4%, thậm chí có thể dao động 3,3-3,9% trong năm 2019” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Phương án tính giá điện, xăng dầu “mật” để tránh gây lạm phát
Cũng câu hỏi liên quan đến giá điện, Bộ Công thương đang nghiên cứu, đề xuất sửa biểu giá điện. Vậy hướng sửa đổi sẽ như thế nào? Tại sao Bộ Công Thương lại đưa thông tin việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu vào danh mục Bí mật Nhà nước của ngành? Căn cứ nào để thực hiện việc này?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, bất cứ quy định nào đưa ra mà không hợp lý thì dù mới đưa ra, nếu cần thiết sửa thì vẫn phải sửa trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp thực tiễn của Việt Nam.
Về dự thảo danh mục Bí mật Nhà nước của ngành, Thứ trưởng cho rằng, Bộ Công Thương đã đưa ra danh mục có 2 mặt hàng điện và xăng dầu. Tuy nhiên, đây không phải là giá mặt hàng này mà là phương án tính toán để trình các cấp có thẩm quyền trước khi công bố. Hiện nay giá xăng đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng đây là mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô và đời sống nhân dân, dễ gây ra lạm phát kỳ vọng ảnh hưởng đến đời sống. Tương tự như vậy với giá điện. Vì thế, Bộ muốn đưa 2 nhóm hàng này vào danh mục Bí mật Nhà nước trước khi công bố giá chính thức.
Về căn cứ, Bộ Công Thương căn cứ vào Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2018 và có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định việc lập, thẩm định, ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước... có hiệu lực từ 1/1/2019. Triển khai luật này, Thủ tướng giao trách nhiệm cho các bộ trong chủ trì xây dựng danh mục bí mật nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
Ngoài ra, việc lập danh mục mới các bí mật nhà nước trong ngành Công Thương căn cứ vào Quyết định số 106 về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật trong ngành Công Thương được Thủ tướng ban hành năm 2008. Bộ Công an cũng đã ban hành quyết định về danh mục bí mật nhà nước độ Mật của ngành Công Thương nhằm quy định về việc bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành.
Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô
Tại buổi họp báo, một nhà báo hỏi: Vừa qua giá mặt hàng xăng dầu đã tăng hơn 3.500 đồng/lít, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại một số doanh nghiệp đang âm. Có ý kiến cho rằng việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua không hài hoà, lạm chi Quỹ BOG gây rủi ro lớn cho các doanh nghiệp?
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, hiện nay mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, có nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu. Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ. Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm… mà giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào.
Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao, 4 tháng đầu năm 2019 giá dầu thô biến động tăng cao, ngày 23/4 vừa qua đã đạt mức giá cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 28,85-32% so với đầu năm 2019. Giá thành phẩm xăng dầu tháng 3 so với tháng 4/2019 cũng tăng 8,5% và liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải sử dụng đến Quỹ BOG. Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn.
"Việc sử dụng Quỹ BOG giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát CPI, chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước. Chính vì thế, thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh ta đã phải chi sử dụng Quỹ BOG rất nhiều" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích./.
Mỹ Anh