Y tế Quảng Bình đến Phú Yên đảm bảo khám chữa bệnh trong mưa lũ
Văn bản nêu rõ, do ảnh hưởng của không khí lạnh, đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhiều nơi có mưa rất lớn với tổng lượng mưa trong 24 giờ trên 300 mm, có nơi trên 550 mm, gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực Trung Bộ có thể vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt sâu cục bộ tại các vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 908/CĐ-TTg ngày 10/10/2022 về việc chủ động ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Trung Bộ tổ chức quán triệt nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 908/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về việc chủ động ứng phó với mưa lũ.
Thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn và diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng phương án phòng, chống; tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án phòng chống mưa lũ; duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng chống mưa, lũ.
Đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ, không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chuẩn bị phương án sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu bảo đảm y tế của địa phương (nếu có) qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.