Y tế phải tiếp tục đổi mới, công khai, minh bạch 

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp giao ban khối y tế chiều 21/3, đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm đủ vaccine, không được chủ quan để xảy ra dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những nhiệm vụ rất cần phối hợp giữa Bộ Y tế và các bộ, ngành.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đề nghị Bộ Y tế xem xét, hỗ trợ về chuyên môn trong hoạt động của các trung tâm hiến máu nhân đạo, kiện toàn các điểm sơ, cấp cứu tai nạn giao thông, cung cấp dịch vụ sơ cấp cứu tại cơ sở.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn đặt vấn đề làm sao để phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Ông Sơn nêu thực tế hơn 1 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, hoặc đối tượng hộ gia đình cận nghèo ở các TP lớn chỉ tham gia khi có bệnh, hay những hộ gia đình thoát nghèo không mua BHYT nữa do không được hỗ trợ 100%… BHXH Việt Nam mong muốn Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện (BV) nghiêm túc cập nhật dữ liệu kịp thời lên Hệ thống thông tin Giám định BHYT.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu lên thách thức về khả năng cung ứng dịch vụ, nguồn lực của y tế cơ sở so với yêu cầu của người dân; nguồn lực dành cho y tế dự phòng chưa bảo đảm dự toán như chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có hạn chế trong công tác tham mưu của sở y tế địa phương; tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, xét nghiệm ở một số cơ sở khám chữa bệnh…

Nói về sự phối hợp với Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho hay các hội chuyên ngành, cấp hội địa phương trực thuộc Tổng hội đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông về sức khoẻ; tư vấn, góp ý, phản biện một số văn bản chính sách, pháp luật; tham gia đánh giá chất lượng hơn 40 BV; tổ chức các hội nghị khoa học, tập huấn về y đức, y nghiệp cho gần 4.000 người…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ thêm về một số vấn đề nóng của ngành hiện nay như giải pháp để giảm quá tải BV một cách bền vững thông qua đầu tư mạnh hơn y tế tuyến dưới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám, chữa các bệnh thông thường cho người dân. Các BV tuyến trên tập trung phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ toàn diện để giảm người Việt Nam đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài.

“Khó khăn nhất của Bộ Y tế hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin, đây là lĩnh vực Bộ sẽ đẩy mạnh để hoàn thành kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, BV, lập hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe cá nhân…”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “điểm” một số việc trong từng lĩnh vực mà Bộ Y tế cần tập trung triển khai nhanh hơn nữa.

Trước hết, trong lĩnh vực y tế dự phòng, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm đủ vaccine, không được chủ quan để xảy ra dịch bệnh như sởi, sốt xuất huyết…

Bộ trưởng Bộ Y tế phải có văn bản gửi giám đốc các sở y tế địa phương tham mưu HĐND, UBND dành đủ ngân sách cho y tế dự phòng theo đúng nghị quyết của Quốc hội, ban hành gấp danh mục các dịch vụ y tế dự phòng.

Trong lĩnh vực dân số, Phó Thủ tướng lo ngại trước sự sụt giảm hệ thống cộng tác viên dân số trong khi ở cơ sở rất cần nhân lực cho cả các dịch vụ khác như chăm sóc, bảo vệ trẻ em. “Tôi đã nhắc nhưng chưa chuyển biến. Bộ Y tế phải phối hợp chặt hơn với các bộ để giao thêm việc cho hệ thống này. Cùng một người nhưng làm thêm nhiều việc ở địa phương. Trước hết, Bộ Y tế ban hành ngay danh mục dịch vụ dân số thiết yếu”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung tăng và củng cố diện bao phủ BHYT, trước hết là học sinh, sinh viên, hộ gia đình, kết nối với các công ty bảo hiểm thương mại. BHXH Việt Nam nhanh chóng xây dựng các gói BHYT nhiều mệnh giá.

Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Về y tế cơ sở, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh lập hồ sơ sức khoẻ điện tử, tăng giá dịch vụ y tế cơ sở, chất lượng tủ thuốc, nhất là thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm. “Chúng ta cần có phương án huy động đội ngũ y tế cơ sở để phổ biến kiến thức sức khoẻ, y học thường thức”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh tăng cường y tế cơ sở, phát triển BV vệ tinh để giảm quá tải thì Bộ Y tế cần nhân rộng mô hình hẹn giờ khám, đặc biệt đẩy mạnh liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV. “Làm sao có cơ chế để các BV lớn có các khoa, trung tâm khám sức khoẻ riêng”, Phó Thủ tướng gợi ý thêm.

Đánh giá cao kết quả thu được từ việc đấu thầu tập trung quốc gia giúp giảm giá thuốc, Phó Thủ tướng cho rằng cần đổi mới hơn nữa, khắc phục hạn chế, để đến năm 2020 giá thuốc của Việt Nam thấp bằng Malaysia, nước có giá thuốc thấp nhất ASEAN. Kiên quyết thực hiện việc liên thông các nhà thuốc, từ đó củng cố một bước chất lượng bảo quản, phân phối thuốc, góp phần thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn phấn đấu đến năm 2020, 100% thuốc kháng sinh phải bán theo đơn. “Thuốc sản xuất tốt đến mấy mà bảo quản không tốt, vận chuyển không tốt thì chất lượng cũng không bảo đảm”, Phó Thủ tướng nói.

Trong mua sắm trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế có văn bản yêu cầu các BV công khi mua sắm trang thiết bị y tế phải công khai giá, thống số kỹ thuật và tự động cập nhật lên cổng thông tin của Bộ Y tế, tránh tình trạng mỗi nơi một giá. “Đây là một sự thất thoát rất lớn mà muốn khắc phục thì phải công khai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng nhắc Bộ Y tế, trong triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất, phải chỉ đạo các BV lớn, trong đó có cơ sở 2 của BV Bạch Mai, Việt-Đức tại Hà Nam, khẩn trương đưa vào sử dụng bảo đảm chất lượng tốt. Đây là hai dự án được tạo điều kiện rất thuận lợi về vốn, đất, hoàn toàn được giao cho Bộ Y tế thực hiện. Gắn với đó xây dựng cơ chế để hai BV này có quyền tự chủ để khai thác tốt cơ sở vật chất được đầu tư. Đối với các dự án vốn ODA dành cho y tế cơ sở cần rút kinh nghiệm trước đây khi làm trạm y tế, trường học thì rập khuôn theo một mẫu giống nhau.

Liên quan đến đào tạo nhân lực y tế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị nghị định đào tạo nhân lực y tế ngay sau Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019. Trong đó, thay đổi căn bản là việc đào tạo ngành y được chia làm hai giai đoạn: Cử nhân y khoa 4 năm, bác sĩ thêm 2 năm và 18 tháng thực hành bắt buộc. Chương trình dạy trong các trường y cũng phải đổi mới ngay nếu không sẽ bị chậm.

Ngoài các trường đại học, viện nghiên cứu, Bộ Y tế cần có cơ chế tháo gỡ cho BV lớn như Bạch Mai, Việt-Đức, Chợ Rẫy… tham gia vào đào tạo bác sĩ. “Đây là những BV có đội ngũ bác sĩ rất giỏi, có cả cơ sở thực hành tại chỗ mà cơ chế của mình cứ khó. Chúng ta phải gỡ cái này để giải phóng nguồn lực rất lớn cho đào tạo y bác sĩ”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Trong ứng dụng công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chủ động triển khai, "khó đâu gỡ đấy", đồng thời Bộ Y tế tích cực tham gia vào đề án Hệ tri thức Việt số hoá với mô-đun về y tế trong đó có phân hệ phổ biến kiến thức y học cho người dân, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua sự phối hợp của Bộ Y tế với Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hệ thống thông tin báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa cải cách hành chính, vừa phân tích, quản lý rủi ro kịp thời.

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh ngành y tế phải tiếp tục tinh thần đổi mới, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo đảm môi trường y tế, BV sạch sẽ, an toàn, văn hoá… đem lại sự hài lòng nhất cho người bệnh.

Đình Nam

358 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 469
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 469
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86341665