Chia sẻ với tổ công tác của Bộ Y tế đến giám sát và kiểm tra tại nhà, hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Giai ở xóm 5, thôn Nhan Biều xã Triệu Thượng, Triệu Phong Quảng Trị cho biết, toàn bộ hoa màu, vườn tược, giếng khơi và cả căn nhà của ông bà bị ngập sâu hơn 1m. Hiện nước đã rút hết và gia đình đang thực hiện công tác vệ sinh môi trường sau lũ.
Gia đình ông bà được đoàn cán bộ của Trạm y tế xã Triệu Thượng đến tận nhà cho thuốc sát trùng và hướng dẫn xử lý nước giếng và xử lý xác súc vật, động vật chết, thu dọn đồ đạc để làm sạch môi trường sống chung quanh nhà.
Bà Giai cho biết thêm, trước lũ rút do nhà tôi có giếng khơi nên được cán bộ y tế thông báo phải bịt miệng giếng lại, sau khi lũ rút tôi đã theo hướng dẫn của cán bộ y tế đồng thời được phát tờ rơi hướng dẫn xử lý nước của Cục quảng lý môi trường y tế nên tôi đã làm theo và 2,3 ngày sau nước trong. Đến bây giờ sau nhiều lần thau rửa nước giếng đã khá trong, tuy nhiên gia đình vẫn chưa sử dụng làm nước sinh hoạt.
Gia đình đang sử dụng nước mưa đã được hướng dẫn khử trùng, khử khuẩn. Gia đình chúng tôi cũng được cán bộ y tế hướng dẫn phòng chống các loại bệnh sau mưa lũ, tránh ngộ độc thực phẩm nên đã thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế như ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn thực phẩm an toàn. Ngủ mắc màn để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, ăn uống hợp vệ sinh đảm bảo an toàn thực phẩm phòng tránh bệnh tiêu chảy, bệnh ngoài da và đau mắt đỏ…
Tổ công tác của Bộ Y tế xuống thị sát công tác khử trùng, khử khuẩn giếng nước sau lũ rút tại một hộ dân ở xã Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị (ảnh H.Nguyên)
“Công tác vệ sinh môi trường được cán bộ y tế hướng dẫn tận nơi, gia đình cũng đã dọn dẹp cơ bản, tuy nhiên do vừa trải qua trận lụt nên trong người vẫn mệt mỏi, do đó, gia đình tôi chưa dọn dẹp kỹ được vườn tược, xung quanh vẫn ngổn ngang, trong những ngày tới sẽ dọn dẹp sạch sẽ, cuộc sống gia đình nói chung đến thời điểm này đang đi dần vào ổn định”, Bà Giai nói.
Trực tiếp kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ tại xã Triệu Thượng (ảnh A.Dũng)
Là đơn vị đầu tàu ở cơ sở hướng dẫn tận nơi cho bà con phòng chống bệnh dịch và xử lý môi trường sau bão, Bà Hoàng Thị Thuỳ Lênh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Triệu Thượng cho biết, địa phương thường xuyên xảy ra mưa lũ vì thế công tác phòng chống bão lũ năm nào cũng có kế hoạch từ đầu và người dân cũng luôn trong tâm thế chủ động. Do đó, trước mùa mưa lũ Trạm y tế sau khi nhận thuốc, vật tư y tế, Cloramine B và viên khử khuẩn nước từ TTYT huyện về đã thực hiện cấp phát và tập huấn ngay cho nhân viên y tế thôn để nhân viên y tế thôn chủ động giúp đỡ bà con khi nước rút, đặc biệt là ở các vùng bị cô lập mà lực lượng y tế phía ngoài không thể tiếp cận được.
Về vấn đề truyền thông phòng chống bệnh tật sau lũ rút, trạm thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của xã và các cán bộ y tế thôn bản cũng đến tận nhà dân để truyền thông về phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, phương pháp có nước sạch đảm bảo vệ sinh sau lũ rút…
Trạm y tế xã Triệu Thượng trong đợt mưa lũ đã từng ngập hơn 1m, tuy nhiên ngay sau lũ rút các cán bộ y tế đã vệ sinh môi trường để đón tiếp người dân đến khám, chữa bệnh (ảnh H.Nguyên)
Theo bà Lênh, toàn xã có 7 thôn, đến thời điểm hiện tại còn 2 thôn dù nước đã rút hết nhưng vẫn bị cô lập do bùn đất vẫn ngập ngụa chưa thể tiếp cận được. Mặc dù vậy các cấp chính quyền và bà con đang thực hiện xử lý môi trường và bên trong thôn các nhân viên y tế thôn bản vẫn có thể chủ động giúp dân khử trùng nguồn nước, vệ sinh môi trường vì trạm đã cấp hoá chất, vật tư trước đó.
Bà Lênh cũng thông tin thêm, ngay sau khi lũ rút chúng tôi vệ sinh trạm y tế xã và đã đón người dân đến khám bệnh. Các mặt bệnh sau lũ chủ yếu là bệnh ngoài da, đau mắt. Chúng tôi đã cho thuốc và hướng dẫn người dân phòng, chữa bệnh.
Hiện tại xã chưa ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết hay bệnh tiêu chảy. Công tác tiêm chủng cho các em bé không bị gián đoạn và đang thực hiện đều đặn.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân và y tế xã, đoàn công tác đánh giá công tác khắc phụ hậu quả, xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh của Triệu Thượng đã làm rất tốt. Sự chủ động này đã góp phần giúp ổn định tâm lý người dân và tiếp sức để người dân dần ổn định trở lại cuộc sống thường ngày.
H.Nguyên