|
Toàn cảnh hội nghị.Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Ngay sau khi Tổng cục Đường bộ, cơ quan được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao nhiệm vụ quản lý các dự án trong giai đoạn kinh doanh, khai thác và chuyển giao công trình dự án đưa ra thông tin sẽ cho tạm dừng thu phí 3 trạm BOT do “chậm trễ triển khai ký kết thu phí tự động không dừng - ETC gồm Trạm Bắc Hải Vân, trạm BOT Cam Thịnh và trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp” từ ngày 6/7/2019, Hiệp hội đã nhận được kiến nghị của nhiều nhà đầu tư hạ tầng công trình giao thông và đưa ra một số ý kiến về vấn đề này.
Trước hết, đại diện Hiệp hội khẳng định ủng hộ Chính phủ về chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng (ETC).
Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt sẽ đảm bảo an ninh trật tự và tránh nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông tại khu vực các trạm thu phí.
Tuy nhiên, Hiệp hội chưa đồng tình cách triển khai hiện nay của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Các lí do Hiệp hội đưa ra gồm: Việc triển khai ETC chưa đúng quy định pháp luật, các thỏa thuận hợp pháp tại các hợp đồng BOT, hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp giữa doanh nghiệp dự án (nhà đầu tư) và các bên có liên quan.
Ông Lưu Xuân Thuỷ, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, điều này gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng lòng tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh hiện tại.
Lí do nữa là việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu các doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư ký phụ lục Hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung này (bao gồm cả việc ấn định tỉ lệ doanh thu phải trích lại từ doanh thu BOT cho đơn vị vận hành ETC) đang có những bất cập, khó khăn nhất định.
Cụ thể, chưa có sự thoả thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) và nhà đầu tư để điều chỉnh Hợp đồng BOT.
“Khi điều chỉnh các hợp đồng liên quan dự án BOT các bên phải thoả thuận với nhau về sự thay đổi đó để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong Hợp đồng cũng như tuân thủ nguyên tắc bình đẳng”, đại diện Hiệp hội nhấn mạnh.
Về cách thức triển khai ETC, Hiệp hội cho rằng, tỉ lệ trích doanh thu cho đơn vị thu phí ETC chưa có căn cứ tính cụ thể và đang tính trên tổng doanh thu của BOT mà không tách bạch doanh thu của ETC và làn thu MTC. Đồng thời, việc trích doanh thu làm ảnh hưởng đến phương án tín dụng của các dự án và chưa có sự thống nhất với doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư trước khi triển khai.
Đại diện Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai khẳng định doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Nhà nước. Trên thực tế từ ngày 15/7/2017 đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng của Bộ Giao thông vận tải) và 100% các làn đều đã lắp hệ thống thu phí tự động không dừng. Đây cũng là dự án đầu tiên trên Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) đã triển khai tất cả 4 làn thu phí không dừng.
"Nhưng hiện tại yêu cầu nhà đầu tư phải ký phụ lục hợp đồng với tỉ lệ phần trăm doanh thu cao là không hợp lý. Các trạm thu phí BOT hiện nay chưa đủ trả lãi. Chúng tôi sẽ đồng hành với Nhà nước nhưng phải làm đúng, giải thích rõ chứ không phải yêu cầu ngày 10/7 tạm dừng thu phí, gây bất lợi với nhà đầu tư", đại diện Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai nói.
Đại diện Trạm BOT Cam Thịnh cũng khẳng định, doanh nghiệp đã ký hợp đồng triển khai lắp đặt thu phí không dừng với VETC cũng như ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải vào đầu năm 2018.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên và tạo điều kiện đẩy nhanh công tác thu phí tự động không dừng, tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người sử dụng, Hiệp hội sẽ làm việc với các cơ quan quản lý khác nhau như Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ngân hàng… liên quan đến vấn đề thu phí không dừng. “Các nhà đầu tư không có lỗi gì trong việc thu phí, lãnh đạo Bộ GTVT đang xem xét có thể thu hồi văn bản tạm dừng này”, ông Lưu Xuân Thuỷ, đại diện Hiệp hội nói.
Cùng trong ngày 8/7, Bộ GTVT có thông tin báo chí về ký kết phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động không dừng với 4 nhà đầu tư BOT vừa bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu tạm dừng thu phí từ ngày 10/7.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải cho hay, đến ngày 5/7 vừa qua, các nhà đầu tư BOT quản lý 40 trạm thu phí đã cơ bản thống nhất ký phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, còn 4 nhà đầu tư chưa đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng với Bộ Giao thông vận tải là Công ty cổ phần Phước Tượng-Phú Gia BOT (trạm Bắc Hải Vân ở Thừa Thiên-Huế); Công ty TNHH đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 – Cam Ranh (trạm Cam Thịnh ở Khánh Hòa); Công ty cổ phần BOT&BT Đức Long Gia Lai (trạm Km 1610+800 và trạm Km 1667+470, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên ở tỉnh Gia Lai); Công ty TNHH BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (trạm Cần Thơ – Phụng Hiệp).
Hiện Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đàm phán với 4 nhà đầu tư nêu trên, đảm bảo tiến độ ký phụ lục hợp đồng trước ngày 10/7/2019 nhằm hoàn thành lắp đặt 44 trạm thu phí trong năm 2019 theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Trước đó, sáng 8/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã chủ trì làm việc với 4 nhà đầu tư BOT trên để tháo gỡ khó khăn trong đàm phán ký kết phụ lục hợp đồng về thu phí tự động không dừng.
Tại buổi làm việc này, đại diện 4 doanh nghiệp dự án BOT bị thông báo dừng thu phí từ ngày 10/7 đã tranh luận thẳng thắn với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Việc triển khai áp dụng hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ là chủ trương phải thực hiện theo chỉ đạo của Quốc hội (Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017) và Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/12/2018 về đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng) nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, hướng tới sự hài lòng và thuận lợi cho người tham gia giao thông, đảm bảo sự minh bạch trong quá trình thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Để tháo gỡ các vướng mắc về phương án tài chính trong việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1317/TTg-CN ngày 27/9/2018 về việc triển khai dự án thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Trên cơ sở chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 136/QĐ-BGTVT ngày 18/1/2019 phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án BOO1 (gồm 44 trạm thu phí).
Để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất tại các dự án và minh bạch trong việc tính chi phí quản lý thu phí tại các dự án BOT, Bộ Giao thông vận tải đã có các văn bản số 1913/BGTVT-ĐTCT ngày 4/3/2019 và số 5604/BGTVT-ĐTCT ngày 13/6/2019 đề nghị các Nhà đầu tư dự án thu phí đường bộ căn cứ Quyết định số 136/QĐ-BGTVT ngày 18/01/2019 và mẫu Phụ lục hợp đồng về việc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng để cùng Bộ Giao thông vận tải ký kết làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Hiện nay trên cả nước có khoảng 57 dự án xây dựng đường bộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, với khoảng 70 trạm thu phí hoàn vốn cho các dự án.
Anh Minh