Xứng đáng với niềm tin của các thế hệ tiền bối, của gia đình, xã hội 

(ĐCSVN) - Thanh niên sẽ tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu đạt thành tựu mới, to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với niềm tin của các thế hệ tiền bối, của gia đình, xã hội.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã bày tỏ với các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 như vậy vào chiều 10/12 khi thông tin về một số vấn đề định hướng phát triển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Mở đầu buổi nói chuyện, đồng chí Võ Văn Thưởng, nguyên là Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam bày tỏ ấn tượng với không gian tổ chức Đại hội có khí thế vui tươi, sáng tạo, áp dụng công nghệ tốt.

Đề cập đến năm 2020 là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Đại hội XIII của Đảng có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, dự kiến diễn ra vào quý I/2021 trong bối cảnh đặc biệt - đánh dấu chặng đường 35 năm đổi mới, chuẩn bị cho một thời kỳ tình hình trong nước, thế giới có nhiều biến động, được đánh giá là giai đoạn có nhiều biến động nhất trong 100 năm qua.

 Quang cảnh Đại hội
 

Để chuẩn bị cho Đại hội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã họp bàn, thống nhất đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới.

Theo đó, trong nước, như lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế uy tín như ngày nay. Chúng ta có thể chứng minh bằng con số, cảm nhận của người sống qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước. Chỉ cần nhìn trong giai đoạn 10-15 năm chúng ta thấy sự thay đổi rõ nét, cụ thể.

Về xác định chủ đề Đại hội, dù năm 2021 mới tổ chức và phải lấy ý kiến tổ chức đảng, lấy ý kiến toàn dân tới Đại hội mới quyết định nhưng nhìn chung phải đảm bảo các thành tố.

Thành tố thứ nhất, là nói về Đảng, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vấn đề này nhiều đại hội đặt ra, mỗi nhiệm kỳ có một góc độ khác nhau. Với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống như hiện nay, xây dựng, Đảng trong sạch, vững mạnh phải coi đó là nội dung quan trọng.

Thành tố thứ hai là dân tộc. Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Đặc trưng của dân tộc trong giai đoạn tới tiếp cận theo hướng phát huy ý chí khát vọng sức mạnh đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo ra sức bật để phát triển đất nước.

Thành tố thứ ba là đổi mới. Chúng ta đã thực hiện công cuộc đổi mới 35 năm, tính tới hết năm 2020. Đổi mới là quá trình liên tục và nhiệm kỳ tới này xác định đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững đất nước.

“Các đại biểu thanh niên tiêu biểu của thanh niên cả nước cần lưu ý, không có đổi mới lần một, lần hai… đây là cách nói không chính xác mà đổi mới là quá trình luôn diễn ra, vừa là tư duy, vừa là đổi mới kinh tế, vừa là đổi mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Thành tố thứ tư là bảo vệ Tổ quốc. “Bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay khác giai đoạn trước nhiều lắm. Chiến trường khác, mặt trận khác, phương thức khác. Trước đây chỉ hải, lục, không quân. Giờ là 5 miền chiến sự: trên biển, không, bộ, vũ trụ, không gian mạng. Bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh 5 miền chiến sự khác với 2-3 miền chiến sự những năm trước. An ninh trước đây là an ninh truyền thống hiện nay có vấn đề an ninh phi truyền thống. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, sớm đưa nước ta thành nước phát triển rất quan trọng”, đồng chí Võ Văn Thưởng nói.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, thành tựu đất nước có được là kinh tế ổn định, tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, là mô hình nhiều quốc gia đánh giá đáng để học tập, các tổ chức quốc tế khuyến cáo nên học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,78%; GDP bình quân đầu người đạt 3.000$. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, thế giới, sức cạnh tranh, tiềm lực, quy mô nền kinh tế được nâng cao.

Thành tựu thứ hai là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có kết quả nổi bật, rõ nét, củng cố niềm tin của dân đối với Đảng, Nhà nước, làm cho Đảng vững mạnh hơn, củng cố năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã xử lý hơn 70 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý. Cuối 2015, đầu 2016, trước đó ít ai hình dung cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, suy thoái mạnh mẽ và đạt kết quả như vậy. Cán bộ cấp cao có ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy… Đây là điều rất đau lòng của Đảng vì quá trình giám sát tu dưỡng chưa tốt nhưng cũng nói lên quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, dù ở cấp nào, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý theo pháp luật thì đều bị xử lý.

Một điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy, niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng tăng lên 75% số người dân được hỏi, cuối năm 2015 chỉ hơn 40%”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ví dụ.

Thành tựu thứ ba là sự đoàn kết, thống nhất phối hợp đồng bộ giữa cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội được tăng cường. Quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trao đổi các đại biểu dự Đại hội

Cùng với đó, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam là biểu tượng của lương tâm, phẩm giá con người, biểu tượng của các dân tộc chống áp bức, vùng lên giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong suy nghĩ của bạn bè thế giới Việt Nam là một đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, chính trị ổn định, là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Đề cập tới những hạn chế, yếu kém, đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ ra, đó là hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống luật pháp vẫn chưa đồng bộ, chồng chéo. Năng suất chất lượng sản phẩm chưa đạt. Xuất khẩu gạo nhất, nhì thế giới nhưng giá gạo chưa cao; giáo dục đào tạo, văn hóa còn bất cập…

Xác định nhiệm vụ thời gian tới là: tiếp tục đẩy manh xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả, cải cách hành chính, đấu tranh chống lợi ích nhóm; đổi mới mạnh mẽ tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế, phát triển đồng bộ, tạo ra liên kết giữa thành phần kinh tế, loại hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ khoa học sáng tạo, nâng cao hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế; nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, quốc tế, tiềm lực quốc phòng; xây dựng phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, quản lý xã hội bền vững; phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, tăng cường pháp chế, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước, chế độ; quản lý, sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên, đảm bảo môi trường bền vững, chủ động thích nghi ứng phó biến đổi khí hậu…

Trên sở mục tiêu, nhiệm vụ như vậy, 3 đột phá chiến lược được xác định là: hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhắc đến Di chúc của Bác Hồ: đoàn viên, thanh niên nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng CNXH vừa hồng, vừa chuyên, bồi dưỡng thế hế cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và cần thiết, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, những lời Bác dạy và đặc biệt khi Bác nói về thanh niên cũng là lời dạy có ý nghĩa, mang tính thời sự cấp bách trong giai đoạn hiện nay với cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội.

“Tôi mong lời dạy, tư tưởng của Bác để lại trong Di chúc được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện tốt chăm lo, bồi dưỡng cho thanh niên. Dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội XIII cũng nêu rõ: tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên, xây dựng môi trường điều kiện cho thanh niên học tập, lao động, giải trí, rèn luyện; phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự tin tưởng sâu sắc vào sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết của thanh niên, tôi mong rằng, chúng ta tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu đạt thành tựu mới, to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với niềm tin của các thế hệ tiền bối, của gia đình, xã hội”, đồng chí Võ Văn Thưởng bày tỏ.

 
Minh Châu
369 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 965
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 965
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87135089