Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng chúc mừng những thành tích của Ban Kinh tế Trung ương.

Sáng ngày 30/9, trong không khí chào mừng 70 năm Ngày Truyền thống, Ban Kinh tế Trung ương đã long trọng tổ chức Chương trình gặp mặt “Ban Kinh tế Trung ương - 70 năm với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng”.

Tham dự và chỉ đạo Chương trình có các đồng chí: Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ.

Hoàn thành nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử

Diễn văn ôn lại truyền thống của Ban, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, cách đây tròn 70 năm, ngày 30 tháng 9 năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Khóa I của Đảng đã ban hành Quyết nghị số 57-QN/TW về thành lập Ban Kinh tế Trung ương. Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các chủ trương, chính sách, đề án lớn của Đảng về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương lãnh đạo về kinh tế, tài chính. Kể từ đây, ngày 30 tháng 9 đã đi vào lịch sử, là Ngày truyền thống của Ban Kinh tế Trung ương. Sự ra đời của Ban Kinh tế Trung ương lúc bấy giờ chính là bước phát triển mới của Cách mạng Việt Nam trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược song song, đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua thời gian, các ban kinh tế của Đảng như Ban Nông nghiệp Trung ương, Ban Tài chính - Thương nghiệp Trung ương, Ban Công nghiệp Trung ương, Ban Cơ khí Trung ương… đã được hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, có thể khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 70 năm cùng đất nước đi lên, Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ đã tham mưu cho Đảng đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, phù hợp với hoàn cảnh thực tế và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam trên nền tảng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, giữa kiên định và đổi mới trong từng giai đoạn. Các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất đã được thể hiện đầy đủ, sâu sắc trong Cương lĩnh của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, có những chủ trương, đường lối đã tạo ra những bước ngoặt có tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng vào quá trình định hình, xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – mô hình tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đọc Diễn văn ôn lại truyền thống của Ban.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, từ khi thành lập lại (năm 2012) đến nay, cán bộ, đảng viên Ban Kinh tế Trung ương luôn nêu cao đoàn kết, đồng tâm, đồng lòng, từng bước kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiều nội dung phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung nghiên cứu, hoàn thành một số lượng lớn các đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành 15 nghị quyết, kết luận về những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng chiến lược. Trong đó một số nghị quyết xác định những chủ trương quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của đất nước như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân; đổi mới và cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước; định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; chủ trương, chính sách tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; chính sách đất đai; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Ngoài các đề án lớn, Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu, tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành một số nghị quyết, kết luận về xây dựng và phát triển các địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa; đã phối hợp nghiên cứu, thẩm định giúp Bộ Chính trị ban hành các chủ trương, cơ chế đặc thù cho thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…

Các đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng, trình Trung ương, Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã bám sát các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục làm sâu sắc và phát triển đường lối đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Chương trình văn nghệ chào mừng ngày truyền thống. 

Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chức năng thẩm định các đề án kinh tế - xã hội trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư với chất lượng thẩm định ngày càng nâng cao, đóng góp ý kiến thẳng thắn, thực chất và có trách nhiệm. Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội tiếp tục được chú trọng; phát hiện, tổng kết được nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp góp phần đưa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự đi vào cuộc sống. Phối hợp với các ban Đảng, các cơ quan trung ương, địa phương và các đối tác khác được triển khai hiệu quả, thiết thực hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương ngày càng toàn diện, chất lượng, hiệu quả và khẳng định vị trí, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về kinh tế - xã hội.

Với thành tích đạt được, Ban Kinh tế Trung ương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ trong lịch sử 70 năm của Ban. Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng đã chia sẻ những kỷ niệm thời kỳ trước Đổi mới, về việc ban hành Chỉ thị 100 của của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Khoán sản phẩm trong nông nghiệp” và tiếp đến ban hành Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (hay còn gọi là Khoán 10), trong đó có những đóng góp quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng nhiệt liệt chúc mừng những thành tích rất đỗi tự hào mà Ban Kinh tế Trung ương đã giành được trong 70 năm qua.

Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định: “Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, trong từng giai đoạn, dù qua nhiều lần sắp xếp, tổ chức lại với các tên gọi khác nhau, song, Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng trong việc hoạch định đường lối, định hướng chủ trương, biện pháp lớn, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế phát triển đất nước”.

Những thành tích rất đáng tự hào của 70 năm qua, là sự cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức Ban Kinh tế Trung ương qua các thời kỳ đã luôn tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc, cầu thị, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong đó nhiều đồng chí đã trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Liên tục đổi mới tư duy, đề xuất những chủ trương lớn về kinh tế - xã hội

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, đất nước ta đang đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng gặp không ít thách thức, khó khăn. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao hơn và nhiệm vụ nặng nề hơn đối với Ban Kinh tế Trung ương trong công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất xây dựng, thể chế hóa, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội.

Tình hình thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến ngoài dự báo thông thường, trong đó kinh tế là lĩnh vực biến chuyển nhanh và sâu sắc nhất. “Nếu không liên tục đổi mới, thì không thể theo kịp sự thay đổi đó của tình hình. Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương cần chủ động, không ngừng đổi mới tư duy, mạnh dạn phát hiện, đề xuất những vấn đề mới, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược về kinh tế - xã hội, theo dõi sát tình hình thế giới, sâu sát với thực tiễn đất nước để nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, thẩm định, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lớn, có tầm chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội” – đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt. 

Ban Kinh tế Trung ương phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác với chuyên gia trong nước và ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.

Đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ, tham mưu, đề xuất, xây dựng chủ trương, chính sách đã khó, nhưng đưa chủ trương, chính sách thực sự đi vào cuộc sống còn khó hơn. Vì thế, Ban cần chủ động, đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội. Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, phát hiện, tổng kết các vấn đề mới để đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng nêu trên, cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy tinh gọn, khoa học và hiệu quả; coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị. Mỗi cán bộ Ban Kinh tế Trung ương không ngừng rèn luyện, vững vàng về chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc, không suy thoái về đạo đức, lối sống, không "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" để ảnh hưởng, tác động tới quá trình tham mưu chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội; nỗ lực nâng cao trình độ lý luận, nắm bắt tri thức mới về kinh tế - xã hội, nêu cao trách nhiệm, liên tục đổi mới sáng tạo, trau dồi kỹ năng, tác phong làm việc khoa học và chuyên nghiệp.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư yêu cầu, với truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành, mỗi cán bộ, đảng viên của Ban Kinh tế Trung ương cần thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, “Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”, cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa, để xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng và tin cậy của Đảng về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 
Hiền Hòa