Trái cây Việt phong phú và đa dạng (Ảnh: HNV)
Cùng với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT); Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Hiệp hội Rau quả Việt Nam thời gian qua đã tổ chức các đoàn giao thương tại các hội chợ lớn, hội chợ chuyên ngành thực phẩm tại các nước Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,… nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm chế biến của Việt Nam với khách hàng tiêu dùng quốc tế. Triển khai chương trình "Vietnam food branding", xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thực phẩm Việt Nam nói chung, trong đó có mặt hàng trái cây.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm trái cây, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa thị trường, đã thực hiện ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) để mở cửa thị trường rau quả của Việt Nam: tại thị trường Australia là xoài, vải; thị trường Mỹ có vú sữa, thanh long; thị trường châu Âu có nhãn, vải, xoài, na và nhiều loại trái cây khác… Chính phủ cũng mở thêm nhiều thị trường khác để giúp mặt hàng rau quả xuất khẩu tốt hơn. Người sản xuất phải tuân thủ tốt tiêu chí an toàn thực phẩm trong sản xuất của nhà nhập khẩu, giúp tăng cao chuỗi giá trị trái cây và giúp ngành phát triển bền vững.
Bên cạnh việc mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu trái cây Việt Nam đến với khách hàng thế giới thì việc chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm cũng là phương án thúc đẩy trái cây Việt phát triển. Hiện, sản phẩm trái cây chế biến chỉ chiếm 10% trong tổng số trái cây xuất khẩu. Chính vì vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ NN&PTNT theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng đã có nhiều chính sách mở, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau quả Việt Nam mở rộng khả năng sản xuất và đầu tư công nghệ chế biến, xử lý và bảo quản sau thu hoạch.
Quá trình hội nhập sâu rộng thời gian qua cũng cho thấy các doanh nghiệp Việt đã biết cách làm ra trái cây có chất lượng cao, an toàn, đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ. Theo Bộ NN&PTNT, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, để vào được các thị trường khó tính, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây. Đến nay, Cục đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, những tháng đầu 2018, trái cây xuất khẩu đã đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2017, trái cây xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Dự báo năm 2018 sẽ đạt giá trị kim ngạch từ 4,3 - 4,5 tỷ USD.
Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm rất cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu và với chuỗi tiêu thụ của các nước.
Thêm nữa, nếu doanh nghiệp xuất khẩu trái cây có được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới có đủ tiềm lực để liên kết với nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn thương hiệu cho sản phẩm thì việc tăng trưởng xuất khẩu trái cây là khả thi. Điều quan trọng hơn cả là, các bộ, ngành sẽ tiếp tục là cầu nối cho doanh nghiệp xâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước khẳng định vị trí trái cây Việt Nam tương xứng với tiềm năng./.
Lê Anh