Thị phần nông sản của Việt Nam tại Hàn Quốc còn rất thấp
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: K.D)
Doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam
Theo thống kê, Hàn Quốc hiện có 7.459 dự án hoạt động tại Việt Nam; trong đó, lĩnh vực chế tạo chiếm hơn 80%. FDI Hàn Quốc có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nước, thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… phát triển. Trong lĩnh vực công nghiệp, sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế lớn như: Samsung, LG... đã có tác động quan trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam phát triển, đặc biệt là các lĩnh vực cơ khí, luyện kim, hóa chất, điện – điện tử, nhựa…
Lý giải việc các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Hàn Quốc: Cơ hội thúc đẩy phát triển doanh nghiệp" vừa diễn ra ngày 22/4, ông Kim Do –Hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm kinh tế của khu vực ASEAN. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam đang có sự tăng trưởng bền vững hơn các quốc gia khác. FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã có hiệu lực tạo ra nhiều ưu đãi cho xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Hàn Quốc, là điểm đầu tư an toàn và bền vững của doanh nghiệp Hàn Quốc, là quốc gia mục tiêu trong chính sách hướng Nam của Chính phủ Hàn Quốc.
Để hiện thực hóa ý tưởng cũng như tận dụng hiệu quả tiềm năng trên, theo Đại sứ Kim Do-Hyon, điều này không chỉ phụ thuộc vào các tập đoàn lớn mà còn cả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc trong thời gian tới hoàn toàn có khả năng xúc tiến nhiều hơn nữa vào Việt Nam và trở thành những doanh nghiệp đi đầu ở Việt Nam.
Để làm được điều này Việt Nam cần tăng cường hơn nữa các ngành công nghiệp hỗ trợ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo. Hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam không chỉ nhìn vào thị trường ở đây mà thông qua đó có thể xuất khẩu sang các thị trường khác trong ASEAN; coi đó như cầu nối sang các nước trong khu vực. Chính vì vậy, Việt Nam cần minh bạch hơn trong các thủ tục hành chính và thông quan.
Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc để tiếp cận thị trường
Về phía Việt Nam, hiện một số mặt hàng thủy sản đã được xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, điển hình như tôm, cá basa, cá tra. Cùng với đó, có 5 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này như dừa, dứa, thanh long, xoài, chuối. Tuy nhiên, thị phần nông sản của Việt Nam tại Hàn Quốc còn rất thấp. Trong khi đó, mỗi năm Hàn Quốc phải chi khoảng 33 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản. Do đó, còn nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, ông Byung-suk Chun, chuyên gia cố vấn của World Friends NIPA chia sẻ tại Hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến xuất khẩu sang Hàn Quốc" diễn ra ngày 24/4 rằng, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải hiểu được thị trường, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc. Những sản phẩm nguồn gốc từ thiên nhiên đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc.
Hơn nữa, xu thế mua sắm trực tuyến là đặc điểm nổi trội của Hàn Quốc hiện nay. Các hoạt động mua bán qua mạng theo nhóm ở Hàn Quốc cũng phổ biến nhằm mua được giá rẻ. Họ so sánh giá từ các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang website để quyết định việc mua sắm.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu trước các thông tin liên quan tới thị trường như tiêu chuẩn sản phẩm, chất lượng, tìm kiếm và thiết lập quan hệ đối tác với thị trường Hàn Quốc. Tận dụng cơ hội từ các hội chợ, triển lãm hàng hóa, qua đó trao đổi trực tiếp với đối tác để tìm kiếm thông tin hữu ích. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tìm hiểu kỹ những tiêu chí nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm của Hàn Quốc, đầu tư khâu đóng gói, bao bì bắt mắt và thời gian giao nhận hàng hóa cụ thể chính xác thì doanh nghiệp hai bên mới có thể ký kết hợp tác lâu dài.
Để hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc hiệu quả hơn, ông Ju Young Seob, nguyên Bộ trưởng Bộ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp Hàn Quốc đề xuất, doanh nghiệp cũng chia sẻ cần thay đổi mô hình kinh doanh từ chiều dọc sang chiều ngang, tập trung đầu tư theo chiều ngang và coi đó là phương hướng đầu tư chiến lược. Quan hệ hai bên mang tính song phương nên nếu mối quan hệ chỉ mang lại lợi ích cho một bên thì không phải là mô hình chúng ta hướng tới mà là mối quan hệ cùng có lợi.
Cùng với đó, ông đưa ra mô hình hợp tác 3 tầng giữa Việt Nam – Hàn Quốc. Đó là giữa chính phủ - chính phủ, cơ quan – cơ quan, tư nhân – tư nhân. Chính quyền địa phương của hai nước cũng cần có những hợp tác phù hợp mang tính chiến lược. Hai bên có thể hợp tác về công nghệ, chuyển giao thiết bị; cấp phép công nghệ. Ngoài ra là mô hình liên doanh với nhau và chính phủ hai nước sẽ có những hỗ trợ cụ thể. Làm tốt những điều này chắc chắn thương mại Việt Nam – Hàn Quốc còn phát triển hơn nữa. /.
Kim Dung