Xúc tiến thương mại: Thiếu kinh phí, cần DN đồng hành 

(Chinhphu.vn) - Cùng với việc hội nhập sâu rộng, công tác xúc tiến thương mại được coi là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp (DN) tìm đường tỏ lối khi sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu kinh phí đang làm cho hoạt động này gặp nhiều khó khăn.

Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương về những khó khăn cũng như những hoạt động hỗ trợ DN mà đơn vị này đang thực hiện.

Một số DN phản ánh, công tác XTTM hiện còn dàn trải, chưa tập trung theo kiểu năm nay cấp chỗ này nhưng sang năm thấy chỗ khác cần hơn lại cấp chỗ khác. Theo ông ý kiến này có chính xác?

Ông Bùi Huy Sơn: Tôi cho rằng nếu chỉ căn cứ vào việc tham gia của một vài DN thì chưa đủ cơ sở để nhận định về công tác XTTM nói chung. Thực tế là nhiều năm qua, các hoạt động thuộc Chương trình XTTM quốc gia do Cục XTTM làm đầu mối đều bám sát định hướng cụ thể về lĩnh vực, ngành hàng và địa bàn ưu tiên, ổn định một cách tương đối.

Chương trình XTTM quốc gia luôn dành phần nguồn lực đáng kể để triển khai các đề án mang tính dài hạn, tập trung vào phát triển xuất khẩu các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng như dệt may, giày dép, nông, thủy sản, công nghiệp phần mềm…

Nhiều hiệp hội ngành hàng, địa phương triển khai các đề án trong nhiều năm liên tục nhằm tạo điều kiện quảng bá hình ảnh ngành hàng trên thị trường thế giới, tạo điều kiện cho DN xây dựng mối quan hệ khách hàng lâu dài, hỗ trợ phát triển và duy trì thị trường xuất khẩu; tạo điều kiện cho các vùng kinh tế phát triển hoạt động liên kết trong XTTM, dần xây dựng thương hiệu ổn định.

Các đề án này thực hiện chủ yếu qua các hình thức như: Tổ chức tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành quốc tế có uy tín, tổ chức hội chợ triển lãm hàng Việt Nam tại các nước trong khu vực, các hội chợ quốc tế chuyên ngành tại Việt Nam… và chiếm trung bình 45% tổng kinh phí dành cho Chương trình hằng năm.

Mặt khác, trong quá trình triển khai, các đơn vị chủ trì còn được hướng dẫn, căn cứ vào nhu cầu DN, thực tế thị trường để xây dựng các đề án phù hợp với yêu cầu của thị trường nhằm tận dụng các cơ hội và nâng cao hiệu quả XTTM.

Tuy nhiên, việc thâm nhập và đứng vững trên thị trường đòi hỏi nỗ lực bền bỉ và cách làm đúng đắn. Do nguồn lực Nhà nước có hạn, để các hoạt động XTTM đạt hiệu quả cao rất cần sự đồng hành của DN trong dài hạn.

Ông vừa nói đến khó khăn do “nguồn lực Nhà nước có hạn”, trong khi đó, năm 2016, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ cho 182 đề án của Chương trình XTTM Quốc gia 90 tỷ đồng mà vẫn có ý kiến cho rằng hoạt động XTTM chưa hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Ông Bùi Huy Sơn: Nhu cầu dịch vụ và yêu cầu về chất lượng dịch vụ XTTM đòi hỏi ngày càng cao khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận hoạt động XTTM của chúng ta còn một số hạn chế.

Thứ nhất, nguồn nhân lực làm công tác XTTM cần được tiếp tục nâng cao về số lượng và chất lượng.

Thứ hai, việc đầu tư cho các hoạt động XTTM vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực và thế giới. Chẳng hạn như kinh phí dành cho Chương trình XTTM Quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo nghiên cứu của World Bank). Tính theo tỉ lệ phần trăm chỉ tương đương 1/30 tỉ lệ trung bình của các nước trên thế giới, bằng 1/10 so với Thái Lan. Thực tế, nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nhưng chưa đủ kinh phí thực hiện.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng phục vụ công tác XTTM còn thiếu. Điều này ảnh hưởng tới quy mô, chất lượng của các hoạt động XTTM, nhất là các hoạt động tầm quốc tế.

Mặt khác, năng lực triển khai các hoạt động XTTM của DN nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt đối với các DN nhỏ và vừa. Nhiều DN thiếu định hướng dài hạn và quyết tâm phát triển với tầm nhìn chiến lược.

Như vậy, có thể thấy, với điều kiện nguồn lực tài chính và con người còn hạn chế, cách làm vận dụng như hiện nay đang đáp ứng được nhiệm vụ trong ngắn hạn chứ chưa đặt được nền móng vững chắc cho những mục tiêu chiến lược dài hạn.

Trên thực tế, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một phần kinh phí tham gia các chương trình XTTM tại nước ngoài nên các DN cần đồng hành theo hướng ổn định, chuyên nghiệp. Nếu DN chỉ tham gia một lần, hiệu quả sẽ thấp mà cần quyết tâm và quyết sách đúng đắn để kiên trì, từng bước thâm nhập thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác XTTM đã được Cục XTTM tổ chức ra sao? Đâu là bước đột phá trong công tác XTTM thời gian qua?

Ông Bùi Huy Sơn: Ngoài việc tiếp tục chú trọng tới các phương thức truyền thống đã và đang khẳng định hiệu quả, đáp ứng các nhu cầu của DN như tổ chức hội chợ, triển lãm, các hoạt động khảo sát thị trường nước ngoài kết hợp kết nối giao thương..., Cục XTTM cũng đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động như: Tăng cường các hoạt động XTTM quốc tế ngay tại Việt Nam bằng cách mời các nhà nhập khẩu, đối tác quốc tế đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và mua hàng; tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế, hội nghị ngành hàng quốc tế, tạo điều kiện cho các DN trong nước tiếp xúc với các nhà nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ chưa đủ nguồn lực để trực tiếp tham gia các hoạt động XTTM tại nước ngoài.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động có quy mô lớn, mang tính định hướng, dẫn dắt thị trường tạo điều kiện cho các đơn vị, DN từng bước làm quen với thị trường. Đặc biệt chú trọng các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển thời gian tới như công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hỗ trợ.

Tổ chức nhiều chương trình kết nối DN và kênh phân phối, nhà đầu tư, các nhà nhập khẩu, các chuỗi siêu thị lớn trong và ngoài nước (Metro, Big C, Lotte, Emart, CJ, Aeon, Vinmart…).

Bên cạnh đó, Cục XTTM cũng phối hợp với các tổ chức nước ngoài, cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài kết nối và đưa các nhà nhập khẩu tới tiếp xúc trực tiếp, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh với các DN Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các chuyên gia nước ngoài tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng XTTM nâng cao và chuyên sâu cho các DN trước, trong và sau khi tham gia các chương trình XTTM ở trong và ngoài nước.

Mặt khác, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh các hoạt động XTTM đầu tư tại những thị trường Việt Nam đã ký kết FTAs, đặc biệt là những đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Việc tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức XTTM nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả triển khai hoạt động XTTM như: Hỗ trợ tư vấn thiết kế, trưng bày sản phẩm của gian hàng Việt Nam tại các sự kiện trong nước và nước ngoài, hỗ trợ quảng bá hoạt động XTTM trên các kênh XTTM của các tổ chức quốc tế, sử dụng dữ liệu thông tin XTTM và dữ liệu DN nhập khẩu, hỗ trợ về đào tạo về nguồn lực, phát triển sản phẩm xuất khẩu…

Song song với việc đổi mới về phương thức hoạt động, Cục XTTM cũng thực hiện những đổi mới về cơ chế huy động tài chính như thực hiện các hoạt động sử dụng nguồn xã hội hóa, nhằm huy động đa dạng các tổ chức, thành phần kinh tế tham gia công tác XTTM.

Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 về hoạt động XTTM. Xin ông cho biết những điểm mới và tiêu biểu nhất của lần sửa đổi này? Những điểm mới này sẽ tạo điều kiện gì cho DN?

Ông Bùi Huy Sơn: Lần sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 này có nhiều điểm mới trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, với một số điểm mới, tiêu biểu cụ thể như:

Sửa đổi các quy định về khuyến mại: Các nội dung về thương nhân thực hiện khuyến mại; hạn mức tối đa của giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại; các hình thức khuyến mại; thủ tục thông báo và đăng ký thực hiện khuyến mại; bổ sung phần thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý Nhà nước…

Sửa đổi quy định về hội chợ, triển lãm như các nội dung về thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại; trình tự, thủ tục đăng ký hội chợ triển lãm.

Mong muốn của cơ quan soạn thảo là các quy định mới sẽ tạo thuận lợi hỗ trợ các DN tổ chức, tham gia các hoạt động XTTM phù hợp với thực tiễn thị trường và trình độ công nghệ hiện nay, thiết thực giúp DN quảng bá sản phẩm, phát triển kinh doanh. Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải thực hiện được nhiệm vụ của mình để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh để xảy ra các hành vi hạn chế cạnh tranh…

Dự kiến, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 37 sẽ được trình Chính phủ ngay trong năm 2017.

Xin cảm ơn ông!

Phan Trang (thực hiện)

588 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1237
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1237
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133482