Những ngày cuối tháng 7, thời tiết Quảng Trị hanh khô và nắng gắt. Nhưng sự khắc nghiệt của thời tiết không thể nào ngăn được bước chân của từng dòng người đổ về các “địa chỉ đỏ” để tri ân các anh hùng, liệt sĩ.
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là một trong những địa bàn trọng điểm, là nơi in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang. Sự ác liệt của chiến tranh được thể hiện rõ qua con số 72 nghĩa trang, trong đó có đến 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia với hơn 60 nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ.
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ.
Là một trong 2 nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn có diện tích 104ha và hiện là “mái nhà chung”, nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ. Những ngày này, nơi đây đón hàng nghìn đoàn đến dâng hương, dâng hoa, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Các đoàn thăm viếng có thân nhân các liệt sĩ đến từ nhiều địa phương khác nhau. Có những người đồng đội từng cùng chiến đấu năm xưa và còn có rất đông các cơ quan, đoàn thể, người dân địa phương và du khách. Dưới những tán cây xanh, từng hồi chuông liên tục ngân dài mỗi khi có đoàn đến thắp hương, làm lễ.
Trong các đoàn thăm viếng dịp này, chúng tôi may mắn khi được gặp đoàn của Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa Quân tình nguyện Việt Lào – Bộ đội Trường Sơn. Được biết, đây đều là những cựu chiến binh từng chiến đấu tại đây. Thời thanh xuân của họ đều gắn bó với Trường Sơn, với con đường mang tên Hồ Chí Minh và cả với đất nước bạn Lào.
Cựu chiến binh Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa Quân tình nguyện Việt Lào – Bộ đội Trường Sơn hát cho các liệt sĩ nghe tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Trong những tháng năm bom đạn tơi bời, nắng mưa dữ dội, đói ăn thiếu mặc..., những người cựu binh này là lính lái xe, lính cao xạ, lính công binh, lính đường ống, lính giao liên, lính bốc vác, lính quân y và có cả những người lính văn công.
Trở về thăm lại chiến trường xưa, ngoài đến các nghĩa trang thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người cựu chiến binh còn mang theo món quà là lời ca tiếng hát của mình để tri ân các đồng đội đang yên nghỉ..
Theo lịch trình, sau khi đến Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đoàn sẽ đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị. Ở mỗi điểm dừng chân, những người cựu chiến binh sẽ thắp hương tưởng nhớ và tổ chức hát để cho các đồng đội nghe. Mỗi ca khúc như vậy như một nén tâm hương gửi đến các đồng đội đang yên nghỉ.
Bà Vũ Thúy Lành - Giám đốc Trung tâm tổ chức thăm chiến trường xưa Quân tình nguyện Việt Lào – Bộ đội Trường Sơn cho biết, từ năm 2008 đến nay, đây là hoạt động được Trung tâm duy trì thường niên để nhằm tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Tri ân những người đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ đất nước.
Đứng trước hàng nghìn liệt sĩ trình bày ca khúc “Cỏ non Thành Cổ”, cựu chiến binh Trần Thị Minh Tám (quê Nam Định) nghẹn ngào chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến viếng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nhưng cũng như lần trước, cảm xúc đều khó tả. Tôi rất xúc động và vinh dự khi được cất lời ca tiếng hát để kính dâng lên vong linh các anh hùng liệt sĩ. Rất biết ơn các anh. Các anh đã hy sinh xương máu của mình để đất nước có được ngày bình an, có được hòa bình như hôm nay”.
Giữa những ngày tháng 7, trong không gian linh thiêng của các "địa chỉ đỏ" tại Quảng Trị, những ca khúc về Trường Sơn, về những người lính bộ đội cụ Hồ cứ thế liên tục vang lên khiến những người có mặt không khỏi bồi hồi, xúc động. Đó cũng như là lời tri ân của mỗi người dân luôn nhớ đến công ơn các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.