|
Xuất siêu trong 9 tháng năm 2018 cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. |
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 9, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 21,125 tỷ USD qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hết tháng 9 lên 179,467 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 19,513 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu hết tháng 9 lên 173,143 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017.
Trong tháng 9, thặng dư thương mại của nước ta lên đến 1,982 tỷ USD, cao hơn gần 1,3 tỷ USD so với ước tính trước đó của các nhà chuyên môn (ước tính 700 triệu USD), qua đó giúp nước ta xuất siêu lên đến 6,324 tỷ USD tính hết tháng 9.
Theo quan sát, đây là mức thặng dư cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây. Trong vòng 5 năm qua (2014-2018), có 3 năm tính đến tháng 9 Việt Nam xuất siêu, 2 năm còn lại là năm 2016 xuất siêu 3,029 tỷ USD, năm 2014 xuất siêu 2,628 tỷ USD.
Trong khi đó, cùng kỳ năm 2015 nhập siêu tới 3,639 tỷ USD và năm 2017 vừa qua nhập siêu gần 120 triệu USD. Nhìn vào kết quả này có thể thấy, kim ngạch xuất siêu đạt được 9 tháng qua là con số vượt trội so với các năm còn lại.
Hết tháng 9, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Lớn nhất là điện thoại và linh kiện đạt 36,691 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2017.
Các mặt hàng khác là dệt may đạt 22,45 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,851 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,14 tỷ USD; giày dép 11,738 tỷ USD.
Trong khi đó lĩnh vực nhập khẩu có 3 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 30,813 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 24,584 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,997 tỷ USD.
Trước đó, tính chung cả năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam xuất siêu 2,7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Thanh Hằng