Xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục 

(ĐCSVN) - Bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, sự linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường, phù hợp với biến động trong từng giai đoạn là một trong những yếu tố góp phần giúp xuất khẩu thủy sản tăng mạnh mẽ trong năm vừa qua.

 

Bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP (Ảnh: B.T) 

Phóng viên (PV): Năm 2022, ngành Thủy sản đã đạt được nhiều kết quả kỷ lục, vậy theo bà, đâu là những nguyên nhân để chúng ta có được thành công này?

Bà Lê Hằng: Năm 2022, ngành Thủy sản ghi nhận nhiều kỷ lục. Đó là kỷ lục về doanh số xuất khẩu 11 tỷ USD và kỷ lục của nhiều ngành hàng trong số đó. Cụ thể như tôm 4,3 tỷ USD, cá tra 2,4 tỷ USD (tăng trưởng của cá tra cũng đạt kỷ lục). Có thể nói, để đạt được điều này do một số nguyên nhân cơ bản.

Thứ nhất là lợi thế từ nhu cầu của thị trường hồi phục. Thứ hai là giá xuất khẩu sang các thị trường đều tăng từ 20-50%. Thứ ba là sự trở lại của các hoạt động xúc tiến thương mại sau một thời gian dài bị giãn cách bởi COVID-19, do đó, đã thúc đẩy rất mạnh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường; đặc biệt là sự kiện Vietfish năm 2022, thu hút một lượng khách hàng rất đông đảo. Tiếp đó là lợi thế về thuế quan của các hiệp định thương mại tự do. Đó là những yếu tố giúp xuất khẩu thủy sản tăng trong năm 2022.

Nhưng cũng phải nhấn mạnh là sự linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cơ cấu sản phẩm và cơ cấu thị trường, phù hợp với biến động trong từng giai đoạn trong năm. Từ đó, đã tạo đà để thúc đẩy xuất khẩu tăng rất mạnh mẽ trong năm vừa qua.

PV: Ở đây, vai trò chủ động của doanh nghiệp được thể hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Lê Hằng: Điều này có thể thấy rõ qua việc có những giai đoạn mà nguồn nguyên liệu không được dồi dào, ví dụ nửa đầu năm 2022 có lượng tồn kho từ cuối năm 2021, nhưng từ nửa cuối năm 2022 lượng nguyên liệu không còn được dồi dào thì các doanh nghiệp đã chủ động về sản phẩm. Cụ thể như chuyển sang đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia để đỡ phụ thuộc nhiều vào vùng nguyên liệu.

Hoặc là những khó khăn về thị trường như là biến động tiền tệ, làm cho nhu cầu giảm tại một số thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, thì các doanh nghiệp lựa chọn những thị trường có tiền tệ, kinh tế ổn định hơn. Đây chính là sự linh hoạt của các doanh nghiệp.

PV: Năm 2023, dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, vậy theo bà, tại sao ngành Thủy sản vẫn đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD?

Bà Lê Hằng: Tôi tin rằng năm 2023 chúng ta vẫn có thể đạt được con số 10 tỷ USD, bởi vì năm 2022 chúng ta cán đích 11 tỷ USD. Những lợi thế của năm 2022 đang mất dần vào quý IV/2022 và dự báo tiếp tục sẽ sang quý I/2023 vì lạm phát đã ngấm sâu vào tất cả các lĩnh vực tiêu thụ trên thị trường thế giới.

Cho nên, ít nhất cho đến quý I/2023, xuất khẩu sẽ bị sụt giảm bởi hiện nay các đơn hàng bị sụt giảm rất mạnh. Nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng cho quý I/2023. Tuy nhiên, cũng hy vọng là ít nhất từ nửa cuối năm 2023, nhu cầu của thị trường sẽ hồi phục lại dần, kinh tế của các nước cũng hồi phục lại dần, khi đó chúng ta sẽ có đà để xuất khẩu trở lại. Nếu như chúng ta chuẩn bị sẵn được nguồn nguyên liệu cũng như nguồn lực, kể cả nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì sẽ sẵn sàng trở lại sản xuất khi thị trường hồi phục.

PV: Bà có nhận định gì về xu hướng thị trường trong năm 2023 và đưa ra những kiến nghị gì cho doanh nghiệp?

Bà Lê Hằng: Như tôi đề cập, doanh nghiệp cũng rất linh hoạt, tuy nhiên, giai đoạn quý cuối năm 2022, và giai đoạn quý I năm 2023, sẽ có những khó khăn về thị trường. Điều này sẽ dẫn đến những việc như: chậm giao hàng, đề nghị lùi giao hàng…, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải lưu kho dẫn đến chi phí nhiều hơn và cũng ảnh hưởng đến việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con nông dân. Khi mà đơn hàng khó khăn cũng dẫn đến việc bà con hạn chế nuôi, hoặc là hạn chế đi đánh bắt. Và, điều này cũng sẽ dẫn đến việc khi mà thị trường hồi phục có thể sẽ bị thiếu hụt về vùng nguyên liệu.

Thứ hai là khó khăn về thiếu vốn cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Bởi vì khó khăn như vậy, nếu các ngân hàng thương mại nhìn vào khả năng kinh doanh, không mạnh dạn để cho bà con, ngư dân đầu tư trong tương lai thì càng gây hiệu ứng khó khăn chồng chất thêm, và đặc biệt là khi thị trường hồi phục thì chúng ta không có đà để phát triển trở lại.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!./.

 
B.T (ghi)
181 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 815
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 815
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87028846