|
Xuất khẩu thủy sản 8 tháng năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: KV)
|
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng năm 2020, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, trong đó thị trường Mỹ đạt 838,44 triệu USD, tăng 4,5%; Nhật Bản đạt 788,83 triệu USD, giảm 2,6%; với thị trường EU đạt 661,51 triệu USD, giảm 8,5%,…
Về các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chiếm 36,01% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 17,57% so với cùng kỳ năm 2019; tôm sú chiếm 6,29%, giảm 12,98%.
Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản 8 tháng năm 2020 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 7 tháng năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ, Na Uy, Nhật Bản.
Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Hoa Kỳ (NMFS), nhập khẩu cá tra trong tháng 6 giảm cả về lượng và giá trị so với tháng trước, trong khi nhập khẩu tôm ở xu thế ngược lại. Đơn giá trung bình của cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 6/2020 tại Mỹ là 2,85 USD/kg, giảm 1% so với tháng trước đó và thấp hơn 21,7 % so với cùng tháng năm 2019. Đơn giá bình quân nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 6/2020 đạt 8,27 USD/kg, giảm 1,54% so với tháng 5 và tăng 1,22% so với tháng 6/2019.
Ở trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh thuộc ĐBSCL trong tháng 8/2020 tăng nhẹ khoảng 200 đồng/kg so với tháng trước, dao động trong khoảng 17.500-18.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con). Nhìn chung, thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp. Dịch COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước.
Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và đang có làn sóng bùng phát lần thứ 2 ở các quốc gia trên thế giới, tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý III/2020.
Các chuyên gia dự báo, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2020 đạt 8,26-8,3 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuado nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau COVID-19.
Tuy nhiên, để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc,... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường.
Với thị trường Mỹ, lượng nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ tháng 6/2020 tăng 21,1% so với tháng 6/2019, nguyên nhân chính là do giá nhập khẩu trung bình cá ngừ vào Mỹ giảm 1,16USD/kg, đạt 5,37 USD/kg. Dự báo nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ trong quý III/2020 tăng, do giá nhập khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, giá cá ngừ nhập khẩu sẽ tăng trong quý IV/2020 khi nhu cầu thế giới tăng cao và lượng cá ngừ cung ứng sẽ không cao như quý III/2020.
Trong thời gian tới, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Canada sẽ tăng khá do nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Canada tăng. Trong đó, tôm (mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam) sẽ tăng trưởng tốt. Canada tiêu thụ khá nhiều tôm nước ấm của Đông Nam Á (trong đó có tôm Việt Nam) trong bối cảnh nguồn cung tôm nước lạnh sụt giảm. Trong những tháng đầu năm 2020, Canada cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, do đó mua tôm chế biến sẵn về nhà tiêu dùng cũng khá phổ biến ở nước này./.