Ảnh minh họa (Ảnh: KV)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 2/2021 ước đạt 400 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Trung Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong tháng 1/2021, chiếm 52,6% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong tháng 1/2021, giá trị xuất khẩu thủy sản tăng tại hầu hết các thị trường. Trong đó thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Australia (gấp 2,1 lần); Nhật Bản đạt 112,25 triệu USD, tăng 26,5%; Hoa Kỳ đạt 109,83 triệu USD, tăng 26,5%,…

Một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng trưởng vượt trội như cá tra phile đông lạnh (mã HS030462) tăng 53% và là mã sản phẩm đứng đầu về giá trị xuất khẩu, chiếm 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là tôm chân trắng chế biến, tăng 47% và chiếm 9% giá trị xuất khẩu; tôm chân trắng tươi, đông lạnh bỏ đầu,… (mã HS 03061721) tăng 39% và chiếm 7,4%.

Tại thị trường trong nước, cá tra nguyên liệu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tiếp tục duy trì trạng thái ổn định. Thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp đã bắt đầu khai trương chủ yếu với cá nhà và cá trong hệ thống, bắt ngoài rất ít, giá ổn định giá quanh mức 19.000 – 20.000 đ/kg đối với cá loại I trong cỡ 850g-1,1kg/con. Theo thương nhân, nguồn cung cá tra nguyên liệu có thể sẽ ở tình trạng thiếu hụt nhẹ trong thời gian tới, đặc biệt với cỡ từ 800g trở lên.

Bên cạnh đó, thị trường tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long thời điểm trước nghỉ Tết Nguyên đán có sự điều chỉnh giảm giá thu mua từ các nhà máy dẫn đến giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng nguyên liệu tại đầm cũng giảm theo. Giá tôm giảm cũng do nguồn cung tăng ngắn hạn do một số hộ nuôi lo sợ tôm rớt giá nên đã thu hoạch diện tích ao còn lại của vụ đông. Sau Tết, giá tôm thẻ chân trắng tại đầm tăng 1.000-3.000 đ/kg do nguồn cung giảm, người nuôi chưa thả nuôi mới do môi trường chưa thuận lợi.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, dự báo, nhập khẩu tôm vào Mỹ năm 2021 sẽ tiếp tục tăng, đạt mức vượt 800 nghìn tấn với trị giá ở mức 7,78 tỷ USD, tăng 1,2% về lượng và 1,2% về trị giá so với năm 2020. Cơ cấu thị trường cung cấp tôm cho Mỹ cũng sẽ có sự thay đổi mạnh trong năm 2021, phụ thuộc nhiều vào diễn biến và khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nhà cung cấp tôm trên thế giới.

Với thị trường Nhật Bản, dự báo dịch COVID – 19 sẽ không còn tác động mạnh tới nhập khẩu tôm của nước này. Nhập khẩu tôm của Nhật Bản trong năm 2021 sẽ tăng nhẹ, đạt 225 nghìn tấn với trị giá 250 tỷ Yên, tăng 2,7% về lượng và tăng 3% về trị giá so với năm 2020. Trong đó Việt Nam vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản.

Ngoài ra, tôm của Việt Nam có nhiều thuận lợi khi theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào UK được giảm từ mức thuế cơ bản 10 - 20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực./.

 
BT