Việt Nam hiện mới xuất khẩu thịt lợn xẻ chính ngạch sang thị trường HongKong và Malaysia khoảng 15.000 - 20.000 tấn (tương đương 200.000 con) trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất.
|
Các bên ký kết thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu. |
Tại "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam” ngày 20/10 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Bộ này thống kê, nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu hiện đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/năm, với 10 ngành hàng chủ lực.
Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn, với năng suất sản xuất từ 27,5 - 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa, 2 triệu tấn thịt, bình quân đạt 60 kg thịt/người, 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80 kg cá/người... nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi vẫn chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu.
Việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước từ nhiều năm nay vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn người chăn nuôi xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.
Theo Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm mạnh xuống còn 1,17 triệu con. Trong khi xuất khẩu chính ngạch lại hạn chế.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cơ hội xuất khẩu chăn nuôi của Việt Nam đã tới. Việt Nam hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Những công việc này đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra nghịch lý là ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất, nhưng lại đầy rủi ro. Điển hình như tháng 4 vừa qua, nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng vì không tìm được đầu ra, nhiều đợt “giải cứu” lợn nhằm hỗ trợ người sản xuất, nhưng đây không phải là biện pháp bền vững. Thực tế ngành chăn nuôi lợn mới làm tốt khâu sản xuất, còn chế biến và tổ chức thị trường quá yếu. Trong số hơn 4 triệu tấn thịt lợn hơi mỗi năm chỉ xuất khẩu được 20.000 tấn lợn sữa.
Để ngành này phát triển bền vững, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phải tái cơ cấu lại, tổ chức lại ngành hàng làm theo mô hình liên kết chuỗi, để sản xuất sạch, hướng đến xuất khẩu.
"Vừa qua doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công thịt gà sang thị trường Nhật Bản. Tới đây sẽ là thịt lợn. Sản xuất phải theo mô hình chuỗi. Ở quy mô lớn, các doanh nghiệp có sức sản xuất lớn, tập trung cao ở đây để xuất khẩu. Ở quy mô nhỏ hơn như các trang trại cũng nên theo hướng đó. Tiềm năng thị trường là có, điều kiện tổ chức sản xuất thì Việt Nam có thể làm được. Vấn đề quan trọng bây giờ là hành động. Cụ thể Bộ chỉ đạo về vùng an toàn dịch bệnh, các thủ tục quy trình xuất khẩu cũng phải làm đồng bộ, quyết liệt," ông Cường nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó Bí thư tỉnh Bình Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An và 4 đơn vị là Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao, Tập đoàn De Heus, Công ty CP và Đầu tư Thương mại Biển Đông, Công ty máy móc Daewon đã cùng ký kết Thoả thuận thực hiện liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn sạch để xuất khẩu, nhằm mở ra một hướng đi chung trong chiến lược phát triển của các bên, với mục đích mang lại cho cộng đồng chuỗi giá trị cung ứng thịt lợn sạch, an toàn hướng đến xuất khẩu.
Diễn đàn cũng đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm bổ ích trong công tác chăn nuôi, xuất khẩu thịt lợn sạch, từ nhiều doanh nghiệp và các chủ trang trại chăn nuôi.
Thanh Hằng