Xuất khẩu rau quả khởi sắc trong 3 tháng đầu năm 2021 (Ảnh: HNV)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 3 năm 2021 ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2021 đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, chiếm tới 62,5% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 352,83 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ đạt 23,4 triệu USD (tăng 3,7%); Thái Lan đạt 22,2 triệu USD (giảm 37,1%); Nhật Bản đạt 18,1 triệu USD (chiếm 3,2%, giảm 13,9%).

Những tháng đầu năm 2021, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng lớn nhất gồm: Ucraina (gấp 11 lần) và Campuchia (gấp 6,1 lần).

Tháng 3/2021, ghi nhận giá xoài giảm mạnh so với thời điểm sau Tết, nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng nhiều trong bối cảnh tiêu thụ gặp khó khăn. Trong đó, giá xoài Đài Loan thu mua tại vườn ở Vĩnh Long chỉ còn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, còn giá xoài cát núm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi cùng kỳ năm trước, giá xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất là 17.000 đồng/kg.

Ngoài ra, với cà rốt, sau khi việc xuất khẩu gặp khó khăn trong việc vận chuyển ra cảng Hải Phòng (do COVID-19) đã được giải quyết, đồng thời việc Bộ NN&PTNT đàm phán và Hàn Quốc nhập khẩu cà rốt trở lại đã giúp việc tiêu thụ cà rốt cả xuất khẩu và nội địa rất thuận lợi, giá đã tăng lên mức giá là 9.000 - 10.000 đồng/kg (loại đẹp).

Tại thị trường Đà Lạt và Lâm Đồng, giá rau củ có xu hướng giảm so với tháng trước do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu không tăng. Các loại rau củ quả: su su, cải thảo, bắp cải trắng, ớt chuông… đều có mức giảm 1.000-5.000đ/kg so với tháng trước.  

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản vừa cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Trước đó, vải thiều cũng đã bảo hộ thành công nhãn hiệu tại Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Singapore, Australia và được tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới. Với việc được cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản và mở rộng tiêu thụ vào các thị trường khác.

Ngoài ra, với mặt hàng chuối, người dân Trung Quốc có xu hướng thay đổi thị hiếu tiêu dùng theo hướng tăng tiêu thụ chuối chất lượng cao. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chuối sang Trung Quốc trong thời gian tới./.

 
BT