Xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ hồi phục tích cực 

(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, dự kiến hết quý III, kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ bằng năm 2022. Sang quý IV, thông qua việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp khác nhau, chúng ta sẽ về đích được mục tiêu 55 tỷ USD.

 

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (Ảnh: B.T)

Phóng viên (PV): Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2023?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải khẳng định, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã có bước chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện bằng con số. Ngay từ tháng 1/2023, so với năm 2022 giảm trên 68%. Tất nhiên trong tháng 1, chúng ta chỉ có thời gian làm việc rất ngắn, nhưng trong tháng thứ hai cũng giảm 38,4% và tháng thứ ba, giảm gần tới 30%; tháng thứ tư giảm 13,3% và hết tháng 5 chỉ giảm có 11,1%. Con số xuất khẩu nông lâm thủy sản mà chúng ta đã đạt được là 20,26 tỷ USD.

Nếu theo đà này, chúng tôi dự kiến hết quý III, kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể bằng năm 2022, và sang quý IV tiếp tục đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp khác nhau, chúng ta sẽ về đích được 55 tỷ USD về xuất khẩu nông sản.

PV: Trong xuất khẩu nông lâm thủy sản, có một số mặt hàng chủ lực như: tôm, cá tra, gỗ và sản phẩm gỗ,… Thứ trưởng có đánh giá như thế nào về triển vọng tăng tốc của các mặt hàng này từ nay đến cuối năm?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng tôi đã tổng kết 5 tháng và đánh giá qua các thị trường, qua các đối tượng xuất khẩu, cho thấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ có tốc độ phục hồi chậm, thủy sản cũng chậm. Tuy nhiên, trong đó có những mặt hàng như gạo, tăng tới 49%, đến giờ này thì chúng ta đã xuất được 3,9 triệu tấn với giá trị 2,02 tỷ USD. Rau quả chúng ta cũng đã đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39%, cà phê tăng hơn 2%,… Như vậy, đây là những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu thị trường lớn, do đó, chúng ta cần phải tập trung vào những ngành hàng này.

Thế còn những ngành hàng lâm sản và thủy sản, chúng ta phải mở rộng thị trường. Trong cơ cấu thị trường năm nay có sự thay đổi rất lớn. Đó là thị trường Mỹ, năm 2022 chiếm 26,4%, nhưng đến giờ này chỉ có hơn 20%; thị trường Trung Quốc khi ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ chiếm 17,6%, đến giờ này đã hơn 21%. Như vậy là biến động thị trường đã có, do đó, chúng ta phải tiến hành xúc tiến thương mại thị trường.

Trong thời gian gần đây và tới đây nữa, Bộ NN&PTNT phân công các đồng chí lãnh đạo tập trung vào các thị trường, ví dụ: thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ,… để thúc đẩy những thị trường truyền thống, tiềm năng với những sản phẩm mà chúng ta đang có lợi thế.

Như tôi đã nói là hết sức cố gắng, để đến hết quý III, về xuất khẩu nông lâm thủy sản, chúng ta có thể đạt bằng năm 2022, và đến quý IV chúng ta tăng tốc, để về đích với chỉ tiêu 55 tỷ USD.

PV: Về xuất khẩu gạo, chúng ta đề ra mục tiêu sản lượng giảm nhưng giá trị xuất khẩu tăng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về chiến lược mới này và kỳ vọng gì về sự tăng trưởng của ngành hàng này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta đã biết, diện tích gieo trồng lúa là 7,23 triệu ha. Về giống lúa, chúng ta có 85% là giống lúa chất lượng cao, mới. Chính vì thế mà giá gạo của chúng ta bây giờ trên giá gạo của Thái Lan, từ 485-495 USD/tấn. Điều đó cho thấy, chúng ta đã đi vào chất lượng. Các đề tài nghiên cứu về lúa gạo đã đáp ứng được các yêu cầu cho các vùng sinh thái, ví dụ tại Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, các giống lúa năng suất, chất lượng cao, đã gần như gần như phủ kín.

Tuy nhiên trước yêu cầu của thị trường, hội nhập sâu rộng đòi hỏi công tác nghiên cứu để chọn tạo giống mới có năng suất cao, giá thành hạ, sức cạnh tranh tốt, từ đó, đưa lại hiệu quả cao cho ngành hàng lúa gạo. Năm nay chúng ta cũng phải khẳng định, năng suất lúa gạo, tuy diện tích giảm nhưng sản lượng tăng. Sản lượng lúa chúng ta đã đạt 17,46 triệu tấn, năng suất 67,4 tạ/ha.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, từ nay đến cuối năm, ngành NN&PTNT sẽ triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ các khó khăn chung của ngành nông nghiệp?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới, của cả nền kinh tế, tổng cầu giảm rất nhiều. Chúng ta biết rất nhiều ngành, lĩnh vực không có đơn hàng, công nhân, người lao động chỉ làm việc một số buổi trong tháng, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Chính ảnh hưởng này nên nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng giảm.

Trong khi giá vật tư đầu vào tăng rất cao, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, lạm phát, tác động xung đột Nga - Ukraine, dự báo nắng hạn tiếp tục ảnh hưởng rõ nét đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng, khi đã nhận diện được khó khăn, thách thức cũng như đánh giá lợi thế, tiềm năng thì ngành sẽ đưa ra những giải pháp ứng phó linh hoạt.

Ví dụ, năng suất lúa quyết định chính bởi 25 ngày cuối cùng trước khi thu hoạch. Nếu không nắm rõ được thực trạng, không biết chỉ đạo để xuống giống kịp thời thì năng suất lúa không thể cao được.

Rau hoa quả tuy ngắn ngày nhưng chúng ta phải biết xử lý, kể cả những giống mới. Khi đã được nghiên cứu chọn tạo đánh giá, lập tức giải quyết để đưa vào sản xuất. Tốc độ khoa học công nghệ của thế giới “chạy” rất nhanh nên chúng ta phải tranh thủ tất cả giống, quy trình canh tác, chăm sóc, nuôi dưỡng, đến sơ chế, chế biến… để trở thành một chuỗi khép kín, mới nâng cao được sức cạnh tranh và vượt qua khó khăn thách thức.

Bên cạnh đó, về môi trường đầu tư cho nông nghiệp, làm sao thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, kể cả các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt. Cùng với các tỉnh xúc tiến đầu tư, đưa doanh nghiệp quy mô lớn vào sản xuất, kéo theo là các trang trại, nông dân, tập trung sản xuất theo chuỗi và gắn với thị trường,…

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

 
B.T (ghi)
336 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1292
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1292
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87170960