Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: AT)

Nhiều điểm sáng nổi bật

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2019, sản xuất nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp tại 63 tỉnh, thành phố; hạn hán, lũ lụt, cháy rừng diễn ra tại một số địa phương, thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định, có xu hướng giảm giá mạnh,…tuy nhiên, vượt lên khó khăn ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Toàn ngành vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, tốc độ tăng GDP đạt khoảng 2,2%.

Cụ thể, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng. Nhờ vậy đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út; 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới (xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc...).

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngành đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với lĩnh vực sản xuất lúa, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, Global GAP...) được phổ biến nhân rộng.

Đáng chú ý, trong năm 2019, ngành nông nghiệp đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng khoa học công nghệ tạo các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến. Đồng thời, đã có hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới, như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi) Nafoods (trồng, chế biến trái cây),…

Đặc biệt, chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới đã về đích sớm trước một năm rưỡi. Đến hết năm 2019, cả nước có trên 4.806 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đồng thời, có 63 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và xuất hiện địa phương có xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Có 112/664 đơn vị cấp huyện (16,86%) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 43 tỷ USD vào năm 2020

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những thành tích quan trọng của ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2019. Trong đó, nhiều vùng chuyên canh mới xuất hiện, gắn sản xuất với thị trường, đặc biệt nhiều nhà nhà máy chế biến lớn được khởi công xây dựng. Một số ngành hàng đạt được những kết quả tích cực như: ngành sữa lần đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, gạo ST đạt gạo ngon nhất thế giới,…

Cùng với đó, có nhiều tập đoàn nông nghiệp lớn như: TH, Vinamilk…đã có nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều khó khăn, xuất khẩu nông sản vẫn đạt trên 41 tỷ USD, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Chương trình Nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu, nhiều tỉnh đã đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phẩn khởi sắc bộ mặt nông thôn, đời sống của người dân được nâng lên. Đồng thời, công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi được thực hiện quyết liệt, công tác phòng chống thiên tai được triển khai mạnh mẽ.

Năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, ngành nông nghiệp cần phấn đấu đạt: Tốc độ tăng GDP đạt 3%, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%, tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt 59%; có nhiều nhà máy chế biến được khánh thành, nhiều khu công nghệ cao được thành lập. Đến năm 2025, có thêm 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng đề nghị cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; vốn đầu tư trung hạn cần phải quan tâm hơn nữa đến khu vực nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, cần tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, cần quan tâm đến công tác quản lý chất lượng, giá cả đầu vào cho ngành nông nghiệp như: phân bón, thuốc trừ sâu,…Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, cán bộ nông nghiệp cần giỏi chuyên môn, tận tụy với bà con nông dân.

Về chương trình xây dựng Nông thôn mới, Thủ tướng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ với Bộ NN&PTNT để triển khai chương trình tốt nhất, thực hiện vận động toàn dân xây dựng đô thị văn minh, gia đình văn hóa./.

 
BT