|
Quang cảnh buổi họp báo (Ảnh: BT) |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 9 tháng năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ngoài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 còn bị tác động của thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Mặc dù vậy, sản xuất nông lâm thủy sản vẫn thể hiện được là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn và đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê, GDP của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quý III đã đạt mức tăng trưởng 2,93%, cao hơn quý I và quý II. Trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 3,21%, lâm nghiệp tăng 1,7%, thủy sản tăng 2,47%. Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng GDP của Ngành đạt 1,84% (nông nghiệp tăng 1,65%, lâm nghiệp tăng 2,02%, thủy sản tăng 2,44%).
Bên cạnh đó, hiện, cả nước đã có 5.385 xã (60,63%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 35 xã (0,4%) so với tháng 8/2020; 184 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân cả nước đạt 16,38 tiêu chí/xã. Đáng chú ý, 11 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2 tỉnh so với tháng 8/2020.
Nổi bật 9 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 52,8 tỷ USD. Riêng xuất khẩu ước đạt 30,05 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Giá trị xuất siêu đạt khoảng 7,2 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vấn đề thị trường, phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với giá trị xuất khẩu trên 40 tỷ USD đề ra trong năm 2020, ngành NN&PTNT sẽ phấn đấu đạt được con số này. Đặc biệt, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, nông sản Việt Nam xuất sang thị trường châu Âu đạt 766,3 triệu USD và hiện đang có rất nhiều đơn hàng. Với thuế suất giảm theo lộ trình sẽ tạo nhiều lợi thế cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết, những tháng cuối năm, dự kiến tình hình thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm còn diễn biến khó lường; việc tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu sẽ tốt hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, do vậy, trong quý IV, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương nắm bắt tình hình sản xuất, khó khăn vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; kịp thời thông tin, cảnh báo các quy định mới của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, báo cáo thường xuyên biến động giá cả, tình hình cung cầu một số mặt hàng nông sản thiết yếu để kịp thời có những giải pháp cân đối cung - cầu, tránh để xảy ra tình trạng bất thường về giá.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, trong đó, tập trung vào các thị trường trọng điểm. Đi cùng với đó, truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA; giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu,…/.